Sắp xét xử vụ 'không chấp hành án' tại Công ty Tân Tân (Bình Dương): Đại diện mới của Công ty cho biết trụ sở vẫn bị chiếm giữ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - TAND TP Dĩ An (Bình Dương) vừa ban hành quyết định, ấn định ngày 16/9 sẽ mở phiên sơ thẩm với vụ án “Trốn thuế” và “Không chấp hành án” xảy ra tại Cty CP Tân Tân.
TAND TP Dĩ An (Bình Dương) quyết định xử vụ án hình sự xảy ra tại Cty Tân Tân vào ngày 16/9. (Ảnh: Bùi Yên)
TAND TP Dĩ An (Bình Dương) quyết định xử vụ án hình sự xảy ra tại Cty Tân Tân vào ngày 16/9. (Ảnh: Bùi Yên)

Cố tình không chấp hành bản án

Trong vụ án này, bị cáo Trần Quốc Tân (SN 1963, nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Cty Tân Tân) bị xét xử 2 tội danh “Trốn thuế” và “Không chấp hành án”; bị cáo Trần Quốc Tuấn (SN 1968, thành viên HĐQT Cty) bị xét xử về tội “Không chấp hành án”.

Theo cáo trạng, Cty Tân Tân thành lập năm 2007, gồm 3 cổ đông là ông Tân, ông Tuấn, bà Châu Ngọc Phụng (vợ ông Tân). Năm 2011, ông Tân chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Thanh (SN 1962, ngụ TP HCM) 3.666.666 cổ phần, tương đương 45,83%.

Nhiều lần yêu cầu HĐQT triệu tập đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường, cung cấp báo cáo tài chính, đánh giá tình hình hoạt động và bầu lại HĐQT nhưng không được, nên bà Thanh khởi kiện. Tòa sau đó có bản án buộc các thành viên HĐQT Cty phải triệu tập ĐHCĐ, cung cấp báo cáo tài chính và bầu lại HĐQT; nhưng ông Tân, ông Tuấn, bà Phụng cố tình không chấp hành.

Ông Tân và ông Tuấn bị khởi tố về tội “Không chấp hành án”. Còn với bà Phụng, cáo trạng cho rằng năm 2017 chỉ còn 0,23% cổ phần nên không xem xét trách nhiệm hình sự.

Quá trình điều tra, xem xét theo tố giác của bà Thanh, công an tiếp tục khởi tố ông Tân về tội “Trốn thuế”. Cáo trạng xác định, năm 2015, ông Tân đứng ra cho Cty TNHH MTV Thương mại - Sản xuất - Trồng trọt Tân Tân (Cty TT) thuê nhà xưởng và kho với giá 100 triệu đồng/tháng. Từ tháng 7/2015 - 11/2022, Cty Tân Tân thu tiền cho thuê được 8,6 tỷ nhưng không xuất hóa đơn, kê khai, báo cáo thuế nhằm trốn thuế gần 1,5 tỷ đồng.

Trước khi phiên tòa diễn ra, ông Lê Hồng Phương, người đại diện mới theo pháp luật của Cty Tân Tân có đơn về việc hiện nay Cty vẫn bị chiếm giữ trụ sở làm việc, nhà xưởng. Ông Phương cũng cho rằng tại Cty Tân Tân còn xảy ra một số hành vi khác có dấu hiệu tội phạm.

Ông Phương cho rằng, theo báo cáo tài chính, khai thuế thì Cty Tân Tân ngưng sản xuất từ cuối năm 2012. Nhưng đến nay, Cty Tân Tân vẫn ký hợp đồng vay vốn tại các ngân hàng để sản xuất, kinh doanh với số nợ tạm tính theo Chi cục THADS là 92 tỷ đồng (chưa kể 81 tỷ đồng đang bị một ngân hàng có chi nhánh tại TP HCM khởi kiện mà TAND quận 1 đang giải quyết), nợ thuế 58 tỷ đồng.

Toàn bộ tài sản của Cty Tân Tân (chưa có giá trị quyền sử dụng đất, nợ phải thu của khách hàng) theo thống kê năm 2013 với giá trị 64,6 tỷ đồng đã được chuyển giao sang cho Cty của con trai ông Tân.

“Ngoài ra, ông Tân cho Cty của con trai ông Tân thuê nhà xưởng, kho. Sau đó, người đại diện Cty của con trai ông Tân cho Cty khác thuê. Việc cho thuê không thông qua cổ đông là trái luật, gây thiệt hại cho Cty Tân Tân và cổ đông”, ông Phương nói.

Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. (Ảnh: Bùi Yên)

Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. (Ảnh: Bùi Yên)

Công ty của cha chuyển nhượng miễn phí thương hiệu “Đậu phộng Tân Tân” cho con trai

Cũng theo ông Phương, ngày 05/07/2010, do làm ăn thua lỗ nên Cty Tân Tân tổ chức ĐHCĐ và thống nhất cho ông Tân bán cổ phần ra bên ngoài. Đến ngày 04/07/2011 ông Tân bán 45,83% cổ phần cho vợ ông Phương với số tiền 11 tỷ đồng.

Mặc dù ĐHCĐ không có ý kiến và trước khi bán cổ phần 23 ngày, vào ngày 12/06/2011, ông Tân ký hợp đồng bán miễn phí 2 nhãn hiệu sở hữu của Cty Tân Tân cho con trai ông Tân là: “Tân Tân và hình vẽ con tôm”; “Tân Tân và hình ông già đậu phộng”.

“Cả 2 nhãn hiệu là hồn cốt, tạo dựng thương hiệu của Cty Tân Tân nhưng ông Tân lại bán miễn phí cho cá nhân con trai là làm thất thoát tài sản; đồng thời việc chuyển nhượng nhãn hiệu là trái luật vì không có trong nội dung ĐHCĐ”, ông Phương nói.

“Từ ngày mua cổ phần Cty và được sự tín nhiệm của cổ đông, tôi luôn đau đáu một nỗi niềm là làm sao nhanh chóng được tiếp quản trụ sở, nơi sản xuất; để có nơi sản xuất, có tiền trả nợ ngân hàng, các loại thuế cho Nhà nước và trả lương đang nợ cho nhân viên; nhưng chưa thành. Hiện nay, Cty Tân Tân không có trụ sở làm việc, không có nhà xưởng để sản xuất và mất khả năng kinh doanh. Tôi mong tòa án và các cơ quan tỉnh Bình Dương giải quyết triệt để những vấn đề đang tồn tại như nêu trên tại Cty Tân Tân”, đại diện Cty nói.

Đọc thêm