Sạt lở, sụt lún nghiêm trọng vùng ngọt hóa Cà Mau

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ đầu tháng 2/2024 đến ngày 5/3/2024, vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng với hơn 457 vị trí, gây thiệt hại hơn 16 tỷ đồng.

Sạt lở, sụt lún hơn 12.000 mét

Huyện Trần Văn Thời nằm phía Tây Bắc của tỉnh Cà Mau, diện tích đất tự nhiên 70.346,7 ha, có 47.684 hộ với 197.866 khẩu, hệ thống sông ngòi chằng chịt gồm 264 tuyến sông, kênh với tổng chiều dài trên 963 km.

Tuy nhiên, các tuyến đường giao thông nông thôn phần lớn được xây dựng trên các tuyến đê, gần sông, kênh rạch. Vì vậy tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch và một số nguyên nhân khác đã tác động trực tiếp đến công trình đường bộ, làm giảm tuổi thọ, không đảm bảo an toàn giao thông. Cùng với đó, tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra dẫn đến hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sạt lỡ, sụt lún đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Từ đầu tháng 2/2024 đến ngày 5/3/2024, huyện Trần Văn Thời xảy ra hơn 457 vị trí sụt lún, sạt lở đất.

Từ đầu tháng 2/2024 đến ngày 5/3/2024, huyện Trần Văn Thời xảy ra hơn 457 vị trí sụt lún, sạt lở đất.

Tình hình sạt lở, sụt lún xảy ra trong vùng ngọt trên địa bàn huyện Trần Văn Thời

Tình hình sạt lở, sụt lún xảy ra trong vùng ngọt trên địa bàn huyện Trần Văn Thời

Trừ 4 đơn vị cấp xã ở vùng mặn là Lợi An, Phong Điền, Phong Lạc, thị trấn sông Ông Đốc thì 9 đơn vị cấp xã còn lại như: xã Khánh Hưng, Trần Hợi, Khánh Hải, Khánh Bình, Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc... trong vùng ngọt của huyện Trần Văn Thời đều đã xảy ra hàng chục vụ lún, lở đất. Trong đó, xã Khánh Hải chịu thiệt hại nặng nhất với hơn 150 vị trí sạt lở, sụt lún.

Tính đến hết ngày 5/3, trên địa bàn 9 xã, thị trấn của huyện Trần Văn Thời đã xảy ra sạt lở, sụt lún, tổng số 121 tuyến, với 457 vị trí, với tổng chiều dài 12.021m. Trong đó, đường bê tông dài 8.598m, đường đất đen dài 3.414m; ước tính thiệt hại hơn 16 tỷ đồng.

9 đơn vị cấp xã còn lại trong vùng ngọt của huyện đã xảy ra hàng chục vụ sụt lún, lở đất.

9 đơn vị cấp xã còn lại trong vùng ngọt của huyện đã xảy ra hàng chục vụ sụt lún, lở đất.

Tình hình sụt lún, sạt lở đất làm hư hỏng hơn 12.021m lộ giao thông nông thôn của huyện, ước thiệt hại hơn 16 tỷ đồng.

Tình hình sụt lún, sạt lở đất làm hư hỏng hơn 12.021m lộ giao thông nông thôn của huyện, ước thiệt hại hơn 16 tỷ đồng.

Ông Kiều Minh Tiếng - Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Nắng hạn nên việc bốc hơi nước diễn ra nhanh cộng với việc bơm, tát nước phục vụ sản xuất đã làm cho hầu hết các tuyến kênh, rạch vùng ngọt đều khô cạn. Trong khi đó cao độ đáy kênh sâu, chênh lệch độ cao giữa mặt đường và mực nước hiện tại rất lớn, làm mất phản áp gây sụt lún. Đồng thời khoảng lưu không (chiều rộng bờ sông, kênh, rạch) từ mép mặt đường đến mép kênh hẹp. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sụt lún, sạt lở đất, làm hư hỏng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn các xã, thị trấn vùng ngọt. Ngoài ra, các nguyên nhân khác như địa chất yếu, lòng kênh sâu... cũng gây ra sạt lở, sụt lún”.

Khắc phục sạt lở, sụt lún tạm thời

Nguyên nhân do nắng hạn gay gắt, mực nước trong vùng ngọt cạn nhanh.

Nguyên nhân do nắng hạn gay gắt, mực nước trong vùng ngọt cạn nhanh.

Các lực lượng chức năng triển khai những biện pháp khắc phục, như cấm xe 4 bánh lưu thông trên các tuyến đường bị sụt lún.

Các lực lượng chức năng triển khai những biện pháp khắc phục, như cấm xe 4 bánh lưu thông trên các tuyến đường bị sụt lún.

Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cũng cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các phòng chuyên môn của huyện tiếp tục thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế sự cố sạt lở, sụt lún xảy ra như: Tăng cường tuần tra, kiểm tra tải trọng xe; cắt, tỉa cây ven sông, kênh, rạch làm giảm tải trọng tác động; lắp đặt biển báo, rào chắn, giảm tải phù hợp các tuyến đường do huyện, xã quản lý... để đảm bảo an toàn giao thông.

"Từ đó các địa phương luôn có ý thức chủ động. Trước mắt, khi xảy ra sự cố phải báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng và cử cán bộ đến ngay hiện trường để kiểm tra; thực hiện giăng dây, làm rào chắn, biển cảnh báo hạn chế giao thông, gia cố tạm thời bằng cây gỗ địa phương các đoạn đường sạt lở, sụt lún đất nhỏ; thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân trên tuyến kè, gia cố chống sạt lở, sụt lún những đoạn có nguy cơ sạt lở, sụt lún cao. Đồng thời, khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại ban đầu, khắc phục những đoạn sụt lún, sạt lở đất nhỏ” - ông Kiều Minh Tiếng nói.

Người dân cùng các lực lượng chức năng khắc phục tuyến đường bị sụt lún.

Người dân cùng các lực lượng chức năng khắc phục tuyến đường bị sụt lún.

Lực lượng chức năng gia cố đường giao thông tại xã Trần Hợi.

Lực lượng chức năng gia cố đường giao thông tại xã Trần Hợi.

Theo ông Kiều Minh Tiếng, về lâu dài, để khắc phục tình trạng sụt lún, sạt lở đất các tuyến kênh, rạch trên địa bàn các xã, thị trấn vùng ngọt, cần tăng cường theo dõi diễn biến tình trạng sụt lún, sạt lở đất để xử lý kịp thời. Đặc biệt, khi mùa mưa đến các tuyến kênh, rạch đã đầy nước thì nên tiến hành gia cố, nạo vét bồi đất đen các đoạn sụt lún, sạt lở và làm lại mặt đường bê tông để đảm bảo sản xuất và nhu cầu đi lại của nhân dân trong vùng.

Đơn vị chức năng sẽ khảo sát, sơ bộ đánh giá mức độ thiệt hại do sạt lở, sụt lún để tham mưu, đề xuất UBND huyện xem xét khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Đọc thêm