Có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, EVFTA là một trong những Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đầu tiên của Việt Nam và cũng là FTA thế hệ mới đầu tiên mà EU ký với một nước đang phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đem lại những kết quả tích cực: Mở rộng thị trường cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, nông sản... và tạo cơ hội để doanh nghiệp trong nước tiếp cận với các thiết bị, công nghệ, kỹ thuật cao của EU, đồng thời giúp Việt Nam có điều kiện để hoàn thiện hơn nữa thể chế, chính sách, pháp luật theo hướng minh bạch, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.
Kết quả thống kê của tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2023, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên EU đạt 72,3 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 34,3 tỷ USD. Nhiều mặt hàng quan trọng của Việt Nam xuất khẩu sang EU tiếp tục tăng, như: Thủy sản tăng 29,5%, rau quả tăng 34,2%, giày dép tăng 49,7%, dệt may tăng 43,4%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 85,2%... Các thị trường xuất khẩu chính là Hà Lan, Đức, Italia, Bỉ, Pháp…
Chỉ tính trong tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU tăng 7,85% so với tháng 5/2024 và tăng 19,54% so với tháng 6/2023, đạt trên 4,28 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt trên 24,69 tỷ USD, tăng 15,37% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu sang đa số các thị trường chủ lực trong khối EU đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hà Lan đạt trên 6,14 tỷ USD, chiếm 24,88% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sang EU, tăng 27,12% so với cùng kỳ năm 2023; riêng tháng 6/2024 kim ngạch đạt gần 1,15 tỷ USD, tăng 13,59% so với tháng 5/2024 và tăng 35,46% so với tháng 6/2023.
Đứng thứ 2, thị trường Đức đạt gần 3,82 tỷ USD, chiếm 15,46%, tăng nhẹ 3,27%; riêng tháng 6/2024 kim ngạch đạt trên 634,96 triệu USD, tăng 7,73% so với tháng 5/2024 và tăng 7,13% so với tháng 6/2023.
Đứng thứ 3, thị trường Italia đạt gần 2,53 tỷ USD, chiếm 10,23%, tăng 9,23%; riêng tháng 6/2024 kim ngạch đạt 385,97 triệu USD, tăng 0,6% so với tháng 5/2024 và tăng 4,27% so với tháng 6/2023.
Xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha đạt gần 1,97 tỷ USD, chiếm 7,96%, tăng 20,68%; riêng tháng 6/2024 kim ngạch đạt 308,19 triệu USD, tăng 7,51% so với tháng 5/2024 và tăng 3,38% so với tháng 6/2023.
Người dân đã được mua các sản phẩm nông sản Việt từ châu Âu (như: Rau củ quả, sữa và ngũ cốc) với mức giá phù hợp; cùng với đó, nhiều mặt hàng nhập khẩu như: Máy móc, thiết bị từ châu Âu cũng bắt đầu giảm theo lộ trình giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao quá trình sản xuất và tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Ở chiều ngược lại, các ngành hàng có lợi thế xuất khẩu sang EU như: Dệt may, da giày và lĩnh vực vận chuyển đã tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động Việt Nam. Người lao động cũng có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng các yêu cầu mới từ EVFTA.
Có thể nhận thấy, nhờ Hiệp định EVFTA, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng và chất lượng cao từ châu Âu với giá thành hợp lý hơn, khi thuế nhập khẩu cho nhiều sản phẩm từ châu Âu vào Việt Nam đang giảm theo lộ trình đến 0% theo cam kết của Hiệp định EVFTA.
Để tận dụng dư địa do Hiệp định EVFTA mang lại, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã nỗ lực đàm phán với phía EU để thống nhất cách hiểu về các tiêu chí cụ thể mặt hàng theo hướng phù hợp với thực tế sản xuất hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu (như đối với mặt hàng dệt may). Đối với hạn ngạch gạo, Bộ Công Thương đang phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán sửa đổi danh mục chủng loại gạo để phù hợp với thực tiễn mặt hàng chủng loại gạo có thế mạnh hiện nay của Việt Nam (như gạo ST 24, gạo ST 25), thay thế cho các chủng loại gạo ĐT8, OM5451.
Ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đánh giá: Việc thực thi EVFTA đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình 30 năm hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và EU, mở ra một giai đoạn mới cho mối quan hệ đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn.