Sau bài phản ánh của Báo Pháp luật Việt Nam, 4 hộ dân ở Hải Dương được đề xuất hỗ trợ bằng đơn giá bồi thường đất ở

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - UBND huyện Tứ Kỳ vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Hải Dương, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh và các Sở, ngành nội dung liên quan đến những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất giải pháp tháo gỡ trong công tác GPMB (giải phóng mặt bằng) dự án Quốc lộ 37 tại địa bàn xã Dân Chủ.
Trước đó bà Lan và một số hộ dân không đồng tình phương án hỗ trợ năm 2020 của UBND huyện Tứ Kỳ.
Trước đó bà Lan và một số hộ dân không đồng tình phương án hỗ trợ năm 2020 của UBND huyện Tứ Kỳ.

Khó khăn trong việc xác định loại đất

Theo báo cáo của UBND huyện Tứ Kỳ, dự án đầu tư, cải tạo nâng cấp Quốc lộ 37 (Km 23+200-Km47+888) đoạn Vĩnh Bảo (Hải Phòng) - Gia Lộc (Hải Dương) được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt năm 2009 (sau đây gọi tắt là Dự án Quốc lộ 37), nguồn vốn của Trung ương.

Trong đó đoạn trên địa bàn huyện Tứ Kỳ dài 3,955km, qua các xã: Đại Hợp, Quảng Nghiệp và Dân Chủ. Theo quy định của pháp luật, UBND huyện Tứ Kỳ có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác GPMB để triển khai Dự án nêu trên.

Cùng với các địa phương khác, UBND huyện Tứ Kỳ tổ chức thực hiện công tác GPMB Dự án theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (năm 2015-2016) và giai đoạn 2 (từ tháng 6 năm 2020 đến nay).

Hiện dự án Quốc lộ 37 đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng từ tháng 12 năm 2021.

Trên cơ sở các công việc, nhiệm vụ đã triển khai thực hiện, UBND huyện Tứ Kỳ đã gửi báo cáo về UBND tỉnh Hải Dương, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương và các Sở, ngành có liên quan về những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất giải pháp tháo gỡ như sau.

Về tồn tại, hiện nay còn 7 hộ gia đình tại xã Dân Chủ chưa được lập phương án bồi thường, hỗ trợ.

Các hộ nhiều lần đề nghị UBND tỉnh Hải Dương và các cấp, yêu cầu bồi thường, hỗ trợ đất theo đơn giá đất ở là 22.000.000đ/m2.

Theo UBND huyện Tứ Kỳ, nguyên nhân hội đồng GPMB huyện Tứ Kỳ chưa lập được phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ gia đình vì theo giấy tờ về đất đai, nguồn gốc đất của các hộ, Hội đồng GPMB huyện gặp khó khăn trong việc áp dụng pháp luật để xác định loại đất thu hồi, bồi thường, hỗ trợ là đất ở hay là đất hành lang giao thông. Do tất cả 7 hộ gia đình nêu trên đều có Giấy CNQSDĐ, tuy nhiên Giấy CNQSDĐ của các hộ được cấp chưa đúng (chưa trừ hành lang an toàn giao thông theo quy định hoặc chưa đúng với Hồ sơ cấp Giấy CNQSDĐ lưu tại UBND xã).

Sau khi xác minh kiểm tra , căn cứ nguyên nhân, lý do tồn tại, các căn cứ pháp lý, giấy tờ về đất của các hộ, UBND huyện Tứ Kỳ đề xuất loại đất thu hồi, bồi thường, hỗ trợ được xác định theo giấy CNQSDĐ đã được cấp hiện nay cho các hộ, đề xuất phương án như sau cụ thể như sau:

Đối với hộ gia đình bà Phạm Thị Huần, UBND huyện Tứ Kỳ xác định, đất thu hồi làm QL37 không nằm trong Giấy CNQSDĐ hiện nay của hộ gia đình. Từ đó đề xuất phương án, đất thu hồi làm QL37 khu vực nhà bà Huần là đất hành lang giao thông, chỉ hỗ trợ như các hộ dân khác có đất HLGT đã GPMB xong.

Đối với hộ ông Nguyễn Văn Đậy và ông Nguyễn Đức Chi, UBND huyện Tứ Kỳ xác định, đất thu hồi làm QL37 có một phần nằm trong Giấy CNQSDĐ hiện nay của hộ gia đình, Giấy CNQSDĐ của các hộ được cấp lần đầu.

Từ đó, huyện đề xuất thu hồi Giấy CNQSDĐ của hộ gia đình ông Đậy theo kết luận số 207/KL-XKT ngày 9/4/2003 của Thanh tra tỉnh Hải Dương và Quyết định số 1317/QĐ-UB ngày 09/5/2003 của UBND tỉnh Hải Dương.

Bên cạnh đó UBND Tứ Kỳ giao Thanh tra huyện thanh tra về việc cấp giấy CNQSDĐ của ông Chi (thửa thứ 2)theo Báo cáo số 221/BC-TNMT ngày 14/11/2023 của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện. Sau khi có kết luận của Thanh tra huyện sẽ thu hồi giấy CNQSDĐ của ông Chi, nếu đủ điều kiện.

Trong trường hợp đó, xác định đất thu hồi làm QL37 khu vực nhà ông Đậy và ông Chi là đất hành lang giao thông, chỉ hỗ trợ như các hộ dân khác có đất HLGT đã GPMB xong.

Đối với 4 hộ gia đình ông Biên, Phú, Lâm, Lân và hộ ông Chi (nếu không đủ điều kiện thu hồi được giấy CNQSDĐ của ông Chi) UBND huyện Tứ Kỳ đề nghị UBND tỉnh cho phép UBND huyện Tứ Kỳ, Hội đồng GPMB huyện Tứ Kỳ hỗ trợ diện tích đất thu hồi thực hiện Dự án, nằm trong giấy CNQSDĐ hiện nay của các hộ bằng đơn giá bồi thường đất ở 22.000.000đ/m2.

2 năm chờ đợi

Trước đó, báo PLVN đã đưa tin, một số hộ dân thôn An Lại (xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) vừa có đơn về việc khi thu hồi đất để nâng cấp QL37, địa phương đã lấy vào phần đất trong “sổ đỏ” của gia đình nhưng lại chỉ hỗ trợ loại đất hành lang giao thông.

Cụ thể theo đơn các hộ dân, năm 2016 khi triển khai dự án cải tạo nâng cấp QL37 qua thôn An Lại, đã lấy vào phần đất thổ cư đã được cấp “sổ đỏ” của một số gia đình. Thời điểm 2016, Hội đồng (GPMB) huyện Tứ Kỳ đã xây dựng xong phương án bồi thường, GPMB với những hộ dân ở 2 bên đường. Phương án bồi thường đã được niêm yết công khai, được người dân đồng thuận.

Do lúc đó chưa đủ kinh phí nên địa phương tạm thời chỉ thực hiện bồi thường, hỗ trợ với đất nông nghiệp, đất thủy sản mà chưa thực hiện bồi thường với đất ở.

Đến 2020, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, thời điểm này, Hội đồng GPMB không thực hiện theo phương án 2016 mà xây dựng phương án mới.

Theo người dân phản ánh, phương án mới đã bác bỏ tính pháp lý của “sổ đỏ” do UBND tỉnh và huyện đã cấp cho họ từ 20 - 30 năm. Cụ thể, Hội đồng GPMB đã căn cứ theo hồ sơ, bản đồ 299 và cho rằng đất đai của các hộ gia đình trên là đất hành lang giao thông nên chỉ được hỗ trợ tiền san lấp chứ không được bồi thường theo diện đất thổ cư.

Đại diện UBND huyện xác nhận những tồn tại không phải lỗi của người dân, mà do cơ quan chức năng đã cấp “sổ đỏ” chưa đúng quy định.

Ngay sau khi báo PLVN đưa tin, UBND tỉnh Hải Dương ban hành văn bản số 3586/UBND-VP về việc kiểm tra nội dung Báo Pháp luật Việt Nam đăng tải do Phó Chủ tịch UBND Lưu Văn Bản ký. Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương giao Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan kiểm tra, làm rõ sự việc Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh, báo cáo UBND tỉnh.

Đọc thêm