Tranh chấp di sản thừa kế là QSDĐ khá phổ biến
Vợ chồng ông Trung, bà Phượng ở huyện An Minh (Kiên Giang) có 9 người con đều đã có gia đình, ra ở riêng. Năm 1995, ông bà được UBND huyện công nhận diện tích 20.000m2 đất, Giấy chứng nhận QSDĐ đứng tên ông Trung. Năm 2002, ông Trung chết, bà Phượng cho người con trai thứ ba 5.000m2, người con út là anh Hà 3.000m2 như lời hứa của ông lúc còn sống nhưng không làm giấy tờ. Nay bà Phượng có đơn đề nghị UBND xã HG, yêu cầu Hà trả lại 3.000m2 đất mà anh đã sử dụng từ nhiều năm qua.
Mới đây, UBND xã tổ chức buổi HG với sự tham gia của các thành viên trong Hội đồng HG, bà Phượng, anh Hà và người chị gái thứ bảy của anh Hà tên Loan. Tại buổi HG, anh Hà cho rằng 3.000m2 đất này là di sản thừa kế của cha để lại nên được hưởng là lẽ đương nhiên, nhưng không được bà Phượng và chị Loan chấp nhận. Sau gần một buổi phân tích, động viên, cuối cùng các bên đều thống nhất theo gợi ý của Hội đồng HG cho anh Hà 3.000m2 đất như lời hứa của ông trước đây. Còn những anh chị em khác trong gia đình, mẹ quyết sao thì nghe vậy nên không tham gia HG.
Một thời gian sau khi HG thành, có ý kiến cho rằng UBND huyện sẽ không công nhận theo thỏa thuận này, vì HG chưa đầy đủ thành phần của các bên. Ngược lại, có ý kiến khác nói vẫn hợp lệ bởi có đầy đủ các bên tranh chấp là bà Phượng và anh Hà. Hơn nữa, khi ông Trung chết, bà Phượng là người có toàn quyền quyết định phân chia đất cho các con?
Hòa giải thành vẫn phải làm văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế
Tài sản chung của ông Trung và bà Phượng là 20.000m2 đất, vì vậy bà Phượng sẽ được QSDĐ 10.000m2 theo quy định Luật Hôn nhân và Gia đình, 10.000m2 của ông Trung trở thành di sản thừa kế. Tuy nhiên, chưa thể xác định vị trí diện tích đất di sản thừa kế, hay của riêng bà Phượng.
Theo như lời trình bày của các bên, 3.000m2 đất anh Hà đang quản lý sử dụng nằm trong phần di sản thừa kế. Vì vậy, khi HG phải mời tất cả những người trong hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm: cha mẹ của ông Trung (nếu còn sống), bà Phượng và đầy đủ 9 người con tham gia. Ngoài ra, còn mời thêm vợ của anh Hà là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tham gia HG thì mới đầy đủ và hợp lệ.
Để được hưởng thừa kế theo pháp luật đối với từ 02 người trở lên, họ phải làm văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Vì vậy, cho dù HG có đầy đủ thành phần, hay không đầy đủ thành phần thì những người thuộc diện thừa kế này vẫn phải tiến hành thủ tục phân chia di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng, hoặc UBND xã nếu chưa có tổ chức hành nghề công chứng. Việc HG thành chẳng qua chỉ là bước thỏa thuận với nhau để đi đến làm thủ tục phân chia di sản thừa kế.
Khoản 5 Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Trường hợp HG thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới sử dụng đất, chủ sử dụng đất thì UBND cấp xã gửi biên bản HG thành đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác để trình UBND cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Tuy nhiên, điều khoản này không thể áp dụng trong trường hợp trên, do đất là di sản thừa kế, mặt khác chưa tách biệt được di sản thừa kế của ông Trung với tài sản riêng của bà Phượng. Dựa vào biên bản HG thành, UBND huyện cũng không thể ra quyết định công nhận và cấp GCN, mà gia đình bà Phượng phải làm thủ tục phân chia di sản thừa kế. Nếu sau thời gian niêm yết 15 ngày không có ai khiếu nại hay tố cáo thì văn bản được công chứng hoặc chứng thực, các con và bà Phượng tiến hành thủ tục để được cấp GCN cho mình. Sau khi bà Phượng đã có GCNQSDĐ, bà có quyền lập hợp đồng tặng cho các con theo thỏa thuận trước đó.