Sau truyền hình trả tiền sẽ là đọc báo mạng trả tiền?

0:00 / 0:00
0:00
Đến cuối năm 2021, theo một số liệu, gần 70% tổng số hộ gia đình cả nước (xấp xỉ 17 triệu thuê bao) đã sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền, dù nhiều năm trước ít ai chấp nhận chuyện trả tiền để được xem truyền hình.
Có nhiều bài báo hay là điều kiện để tiến tới đọc báo mạng trả tiền - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Có nhiều bài báo hay là điều kiện để tiến tới đọc báo mạng trả tiền - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Riêng thuê bao OTT TV đạt xấp xỉ 3,7 triệu và được dự báo sẽ tăng ít nhất gấp 2 lần vào năm 2026. Những con số này khiến những người làm báo Việt Nam hoàn toàn có quyền hy vọng nếu có bước đi đúng thì một ngày không xa dịch vụ đăng ký đọc báo trực tuyến trả tiền sẽ trở thành xu hướng phát triển.

Niềm tin này cũng được các chuyên gia truyền thông và chính sách công bày tỏ trong tọa đàm trực tuyến "Kinh tế báo chí ở Việt Nam - Những vấn đề và xu hướng sau đại dịch COVID-19" - do Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), CLB Cafe số và Trung tâm Bản quyền số phối hợp tổ chức vào ngày 24-3.

Những tín hiệu tốt

Theo Viện IPS, năm 2021, bất chấp những khó khăn kinh tế do đại dịch COVID, tờ The New York Times vẫn đạt doanh thu 1,7 tỉ USD chỉ qua hình thức đăng ký đọc tin tức trực tuyến (subscription).

Những năm gần đây, hầu hết các cơ quan báo chí lớn trên thế giới như The New York Times, Wall Street Journal, Nikkei Asia, The Economist... đều ưu tiên coi đăng ký đọc tin là nguồn thu chính chứ không chỉ nguồn thu từ quảng cáo.

The New York Times đang dẫn đầu về lượng đăng ký đọc báo trả tiền ở Mỹ năm 2021 với 7,58 triệu tài khoản đăng ký, doanh thu ước đạt gần 1,68 tỉ USD.

Ông Trương Trí Vĩnh - nguyên giám đốc điều hành CafeF - cho rằng, để có được thành quả kể trên, The New York Times đã can đảm kiên định với con đường của mình trong một thời gian dài, tới nay khoảng 20 năm.

Đầu tiên, họ dựng tường, những người muốn đọc The New York Times phải đăng ký tài khoản nhưng ban đầu chưa thu phí. Họ tạo kênh phân phối riêng và phục vụ độc giả trước, bằng những bài báo chất lượng buộc người đọc sẵn sàng trả tiền để đọc báo. Lúc đó, họ mới bắt đầu thu "tường phí".

Tại Việt Nam, mới đây một số cơ quan báo chí bắt đầu thảo luận và thí điểm mô hình đăng ký đọc tin có trả phí nhưng chưa thành công. Ai sẽ trả tiền để đọc những bài báo chưa tốt hơn những bài báo miễn phí khác? Đó là câu trả lời cho việc chưa thành công của thí điểm này.

Nhưng tương lai sẽ thay đổi, nếu "các tờ báo đủ can đảm đi đường dài".

Đầu tiên và trên hết vẫn là nội dung

Theo ông Vĩnh, báo chí là ngành công nghiệp đang bị thu hẹp. Không lâu nữa, chỉ những tờ báo đổi mới, trở nên đặc sắc, với mô hình kinh doanh và chi phí đầu vào hiệu quả mới có thể tồn tại. Nhưng hiện nay quản lý báo chí ở Việt Nam không đảm bảo cho đầu tư dài hạn. Đây là thách thức lớn nhất của các tờ báo.

"Sản lượng của các tờ báo thì dư thừa nhưng lại ít sức cạnh tranh. Trung bình các tờ báo điện tử lớn ở Việt Nam xuất bản 200 tin bài/ngày nhưng lại không có bài nào đủ hay để người đọc phải trả tiền", ông Vĩnh nói.

Trong khi khó, nếu nâng chất lượng các bài báo thì lương của nhà báo hiện nay rất thấp trong mặt bằng chung. Mỗi khi có khủng hoảng, các tòa báo lại chọn cắt giảm đầu tiên của bộ phận sản xuất nội dung. Vòng tròn luẩn quẩn này cần phải được tháo gỡ để báo chí Việt Nam có thể bán được cho độc giả - con đường sống còn của báo chí trong tương lai gần.

Ông Vĩnh trích lời bà Miki King - phó chủ tịch phụ trách tiếp thị của WaPo: "Đầu tiên và trên hết vẫn là nội dung. Nếu chúng ta không có những bài báo khiến người đọc phải thốt lên ‘đây là thứ mà tôi muốn trả tiền để đọc’, vậy thì không nên triển khai hình thức thu tiền người đăng ký làm gì".

Dù chưa có những bài báo khiến người đọc phải thốt lên "đây là thứ mà tôi muốn trả tiền để đọc" nhưng ông Đinh Văn Hải - Phó tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam - cho rằng "tường phí" là điều chắc chắc các tờ báo Việt Nam phải làm, đặc biệt là những tờ báo tự tin về sản phẩm của mình.