Sau tuyên bố can thiệp của Ngân hàng nhà nước: Tỷ giá chưa giảm nhiệt, chứng khoán vẫn “đỏ lửa”

(PLO) -Trước diễn biến tỷ giá VND/USD, tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương hôm 2/7, Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng khẳng định diễn biến này nằm trong kế hoạch và NHNN luôn chủ động can thiệp thị ngoại tệ khi cung - cầu thị trường có vấn đề. Tuy nhiên, diễn biến ngày hôm nay, 3/7, tỷ giá VND/USD vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt trong khi thị trường chứng khoán ngập trong sắc đỏ…

Tăng “trong kế hoạch”

Theo NHNN, từ ngày 18/6 đến nay tỷ giá có diễn biến tăng, đến ngày 02/7 cao hơn khoảng trên 1,2% so với cuối năm 2017. Phân tích nguyên nhân tỷ giá tăng, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, có 2 nguyên nhân chủ yếu: Thứ nhất, lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng tăng theo xu hướng tăng của lãi suất thế giới trong khi lãi suất liên ngân hàng VND vẫn ở mức thấp khiến điểm chênh lệch lãi suất VND-USD tăng mức âm. Thứ hai, một số yếu tố trong và ngoài nước tác động tới tâm lý thị trường như: Thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước một số phiên giảm điểm mạnh, USD tăng giá trên thị trường thế giới.

Trước đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong gần 5 tháng đầu năm, theo nhận định của NHNN là tương đối ổn định nhờ thị trường trong nước và quốc tế có nhiều yếu tố thuận lợi như cán cân thương mại thặng dư, FDI giải ngân ở mức cao; một số thương vụ bán vốn thu hút lượng lớn vốn FII vào Việt Nam; chỉ số USD Index thế giới ít biến động. 

“Từ cuối tháng 5 đến nay, có một số ngày tỷ giá tăng khá nhanh, tuy nhiên thanh khoản thị trường vẫn đảm bảo, trạng thái ngoại tệ vẫn duy trì ở mức dương, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, mọi nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời…”- Ông Hà khẳng định.

Trước diễn biến của tỷ giá, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Thanh Hà cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, lưu tâm đến lộ trình và tác động của việc tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và tác động của việc này, quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, động thái của Ngân hàng TW Châu Âu và Ngân hàng TW Nhật Bản cũng như tình hình cung cầu ngoại tệ trong nước để điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phù hợp. 

“NHNN tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ CSTT khác, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp thị trường. Nếu cần thiết, NHNN sẽ bán ngoại tệ với tỷ giá thấp hơn tỷ giá bán niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô…:- Ông Hà khẳng định.

Cùng ngày, tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, cho đến cuối tháng 6, thị trường ngoại tệ vẫn hoạt động ổn định, tỷ giá 6 tháng đầu năm tăng xấp xỉ 1%, tất cả các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng và thị trường hoạt động thông suốt.

Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng cho biết, 6 tháng đầu năm, NHNN đã mua vào khoảng trên 11 tỷ USD, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước lên khoảng trên 63,5 tỷ USD. “Qua đó, khẳng định các giải pháp điều hành của Chính phủ và của NHNN đã góp phần củng cố lòng tin vào đồng Việt Nam giúp cho thị trường ngoại tệ và tỷ giá giữ vững sự ổn định…”- Thống đốc khẳng định. 

Về diễn biến tỷ giá trong thời gian gần đây, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho rằng diễn biến này nằm trong kế hoạch và chủ yếu từ tác động của việc tăng giá đô la trên thị trường quốc tế, diễn biến xuất nhập khẩu.

“NHNN luôn chủ động các phương án để điều hành tỷ giá và sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cung - cầu thị trường có vấn đề, đảm bảo trên thị trường ngoại tệ được thông suốt. Trong điều kiện hiện nay chúng ta hoàn toàn có các công cụ và phương án cần thiết để can thiệp thị trường ngoại tệ, đảm bảo kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô…”- Thống đốc khẳng định.

Dấu hiệu giảm tỷ giá chưa rõ nét

Sau tín hiệu phát đi từ NHNN, mở cửa phiên giao dịch sáng nay, 3/7, NHNN công bố tỷ giá trung tâm ở mức 22.635 VND/USD. Các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tỷ giá tăng so với ngày hôm trước như: ACB đều điều chỉnh giá USD lên 70 VND. Vietinbank, Vietcombank tăng lần lượt 79 VND, 70 VND. Sacombank tăng 77 VND (mua vào) và 90 VND (bán ra). MB tăng 65 VND (mua vào) và 90 VND (bán ra). Techcombank tăng 70 VND (mua vào) và 95 VND (bán ra). VPBank tăng 70 VND (mua vào) và 80 VND (bán ra). HDBank tăng 60 VND (mua vào) và 115 VND (bán ra). VIB tăng 75 VND (mua vào) và 80 VND (bán ra… Tính đến 10h sáng, giá USD mua vào của BIDV đang cao nhất với 23.015 VND/USD, trong khi Vietcombank niêm yết bán ra ở mức thấp nhất 23.060 VND/USD.

Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều, một số ngân hàng vẫn có xu hướng tăng. Vào 16h 45 phút, giá USD mua vào của Vietcombank là 23.000 VND và bán ra 24.070 VND, tăng 10 VND ở cả hai chiều mua vào- bán ra so với buổi sáng; BIDV mua vào 23.010 VND/USD, giảm nhẹ 5 VND so với buổi sáng nhưng giá bán ra lại tăng 20 VND/USD (ở mức 23.080 VND/USD), Sacombank vào túc 15 h  tăng 10 VND/USD so với buổi sáng (ở mức 23.010 VND/USD) nhưng giảm nhiệt 5 VND/USD ở chiều bán ra (ở mức 23.085 VND/USD). Đặc biệt, Eximbank giá mua vào thấp hơn mặt bằng 10 VND (22980 VND - 23.000 VND) nhưng bán ra đã lên tới 23.090 VND/USD…

Trên thị trường tự do, giá USD dao động ở mức  23.110 VND/USD (mua vào), tăng 20 VND/USD và 23.130 VND/USD (bán ra), thậm chí có thời điểm lên tới 23.150 - 23.160 VND/USD…

Thị trường chứng khoán: Nhóm ngân hàng lao dốc mạnh nhất

Kết thúc phiên sáng, chỉ số VN-Index giảm 18,02 điểm (1,9%) còn 929,13 điểm; HNX-Index cũng quay đầu giảm 1,49 điểm (1,45%) xuống còn 101,27 điểm, Upcom-Index giảm 0,4 điểm còn 50,44 điểm. 

Xu hướng này tiếp tục vào phiên buổi chiều, kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 41,14 điểm (-4,34%) xuống 906,01 điểm. HNX-Index giảm 3,97 điểm (-3,86%) xuống 98,8 điểm. UPCoM-Index giảm 0,86 điểm (-1,69%) xuống 49,98 điểm.

Đáng chú ý nhóm ngân hàng là nhóm giảm điểm nhiều nhất. Trong phiên buổi sáng, TCB dẫn đầu với mức giảm 5,23%, bốc hơi 5.361 ty đồng vốn hóa, còn lớn hơn cả VIC. Nhóm BID giảm 4,65%, CTG giảm 4,98%, VCB giảm 1,2% bốc hơi tổng cộng 10.732 tỷ đồng vốn hóa. Đó là chưa kể tới các mã ngân hàng nhỏ hơn cũng teo tóp vài ngàn tỷ đồng nữa như MBB giảm 2,82%, STB giảm 1,8%, VPB giảm 1,99%, TPB giảm 0,93%…

Trong phiên buổi chiều, 5 mã tiếp tục giảm sàn là TCB, VPB, CTG, BID, STB về tương ứng 81.800 đồng (-6,9%), 25.800 đồng (-6,9%), 21.500 đồng (-6,7%), 23.100 đồng (-6,7%), 10.600 đồng (-6,8%). Trong đó, CTG bị khối ngoại bán ròng tới hơn 3,1 triệu đơn vị.

Các mã MBB và HDB đều giảm hơn 5%. VCB dù được khối ngoại mua ròng hơn 1,1 triệu đơn vị, song vẫn giảm 3,6% về 56.000 đồng. EIB và TPB cũng hơn 3%...

Trước đó, vào chiều tối 2/7, Ủy ban chứng khoán nhà nước đã phát đi thông điệp cho biết, trong thời gian vừa qua, mặc dù TTCK Việt Nam có nhiều biến động do chịu sự tác động từ TTCK thế giới và châu Á nhưng TTCK trong nước vẫn đạt được một số kết quả khả quan. Tính từ đầu năm đến nay, Nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng với 38.752 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ  và 1.788 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu. Tính chung 6 tháng đầu năm nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 40.539 tỷ đồng trên TTCK…

Đọc thêm