Sau vụ hỏa hoạn làm 5 người chết, Công an khuyến cáo phòng cháy nổ tại khu tập thể cũ Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
Kết cấu hạ tầng xuống cấp, người dân "đua nhau" sửa chữa, cơi nới, không đảm bảo các thông số kỹ thuật, không có kinh phí khắc phục điều kiện phòng cháy chữa cháy... là thực trạng chung của hầu hết khu tập thể cũ trên địa bàn Hà Nội, dẫn đến nguy cơ chập cháy điện, cháy lan, cháy lớn thường trực.

Các nhà tập thể cũ nội thành Hà Nội xây dựng từ những năm 1980 của thế kỷ trước, trước khi Luật Phòng cháy chữa cháy ra đời, nên không được thiết kế và lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy, không có đủ các trang thiết bị về phòng cháy chữa cháy.

Nhiều khu đã sử dụng gần 40 năm chưa một lần được cải tạo, nhưng nhu cầu sử dụng của người dân đã tăng lên gấp nhiều lần. Do đó công năng và diện tích, hạ tầng của công trình không còn khả năng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hiện nay của người dân.

Hầu hết các chung cư - tập thể cũ đều rơi vào tình trạng không lối thoát nạn thứ 2, chuồng cọp được hàn chặt, đường điện cũ kỹ, đồ đạc chất đống khắp hành lang… Các khu chung cư, tập thể này hiện không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy nhưng cũng không thể cải tạo, khắc phục do không có kinh phí; chủ đầu tư, ban quản lý nhà đã không còn tồn tại. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy cơ sở chỉ có thể tuyên truyền, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức phòng ngừa hỏa hoạn.

Công an các đơn vị quận, huyện đã đồng loạt triển khai kế hoạch về việc kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy & cứu nạn cứu hộ các chung cư, tập thể cũ trên địa bàn. Qua đó, rà soát, thống kê các chung cư, tập thể cũ trong diện xuống cấp, hư hỏng nặng sau nhiều năm khai thác, sử dụng để từ đó đưa vào danh sách đề xuất cải tạo, sửa chữa, nâng cấp.

Trước mắt, để giảm thiểu tối đa nguy cơ cháy, nổ và hậu quả để lại (trong trường hợp xảy ra cháy) tại các chung cư, nhà tập thể cũ, Công an quận, huyện cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy, nâng cao ý thức cho cư dân trong việc chấp hành các quy định về phòng cháy chữa cháy để nâng cao tính chủ động, khả năng phối hợp, ứng phó, xử lý khi có sự cố cháy nổ của lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ.

Bên cạnh việc tuyên truyền, lực lượng cức năng cần phải tổ chức hướng dẫn người dân mở lối thoát nạn thứ 2 tại ngôi nhà của mình như cắt lồng sắt, hướng dẫn dùng thiết bị điện, sử dụng gas an toàn.

Cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, đoàn thể các cấp ở cơ sở cũng cần quan tâm, làm tốt hơn nữa vai trò, chức năng của mình để có giải pháp phòng cháy chữa cháy hiệu quả. Biện pháp tối ưu hiện nay vẫn là ý thức chủ động của người dân, cùng với đó là phát huy tinh thần tự phòng ngừa cháy, nổ của đoàn thể ở khu dân cư, tổ dân phố.

Đọc thêm