SCB sẽ tăng vốn điều lệ lên hơn 20 nghìn tỷ đồng

(PLVN) - Đây là một trong các nội dung quan trọng vừa được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2019  thông qua ngày hôm nay, 29/5,
SCB sẽ tăng vốn điều lệ lên hơn 20 nghìn tỷ đồng

Tính đến 31/12/2019, tổng tài sản của SCB đạt 567.913 tỷ đồng, tăng trưởng 58.959 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 11,6% so với cuối năm 2018, tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về tổng tài sản trong nhóm ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh.

Tăng trưởng huy động của SCB đạt 69.754 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng 16,7%. Tổng số dư huy động thị trường 1 của SCB tính đến 31/12/2019 lên đến 488.092 tỷ đồng. Hoạt động huy động tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, khẳng định thế mạnh của SCB trên thị trường huy động vốn.

Dư nợ cho vay của SCB đến 31/12/2019 đạt 333.879 tỷ đồng, tăng 10,6% so với đầu năm 2019. Trong năm qua, SCB tiếp tục tập trung tăng trưởng tín dụng, cơ cấu lại tài sản theo hướng an toàn và hiệu quả, nâng cao tỷ trọng tài sản có sinh lời trong cơ cấu bảng cân đối kế toán. SCB đã kiểm soát chất lượng tín dụng, đẩy mạnh thu hồi đối với các khoản nợ quá hạn, nợ xấu; duy trì tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu ở mức thấp, lần lượt là 0,9% và 0,49%.

Năm 2019, SCB đạt lợi nhuận trước thuế là 220,3 tỷ đồng. Trong năm vừa qua, kết quả kinh doanh của SCB tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là những kết quả trong hoạt động dịch vụ và kinh doanh tiền tệ với tổng thu nhập ngoài lãi đạt 1.937 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng 30% so với năm 2018. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.420 tỷ đồng, tăng 33,5% so với 2018.

Đại hội đã nhất trí thông qua kế hoạch hoạt động kinh doanh SCB năm 2020 với các mục tiêu chính: Tập trung tối đa nguồn lực triển khai thực hiện các giải pháp tái cơ cấu; Phát triển kinh doanh; và Quản trị điều hành. 

Dự kiến trong năm 2020, SCB sẽ tăng 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ, nâng mức vốn điều lệ sau khi tăng thêm là 20.232 tỷ đồng. 

Theo đại diện SCB, việc tăng vốn điều lệ sẽ quyết định mức độ thành công trong việc mở rộng quy mô hoạt động và làm tăng mức độ an toàn của SCB, góp phần thực hiện các mục tiêu theo chiến lược kinh doanh của Ngân hàng. 

Bên cạnh đó, SCB sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng mới, thu hồi nợ xấu, và xử lý tài sản theo lộ trình đã  được NHNN phê duyệt tại Đề án cơ cấu lại SCB gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Với mục tiêu phát triển kinh doanh, SCB chuyển dịch mô hình và mô thức kinh doanh theo hướng đa dịch vụ. SCB dự kiến trong năm 2020 sẽ đạt thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ 1.800 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2019, trong đó: tăng doanh số bảo hiểm 70% so với năm 2019; tiếp cận 30.000 khách hàng trên nền tảng số; đẩy mạnh phát hành mới thẻ tín dụng quốc tế lên 50.000 thẻ…  

Đọc thêm