Sẽ bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện

(PLO) - Qua 05 năm thi hành Luật Thi hành án hình sự (THAHS) năm 2010, kết quả đáng ghi nhận hàng đầu là đã thi hành nghiêm minh các bản án, quyết định của Tòa án các cấp xét xử, nhất là các bản án phạt tù, tử hình, trục xuất. Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn nữa chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội, Luật THAHS dự kiến sẽ được sửa đổi, bổ sung với nhiều quy định mới, trong đó đáng chú ý là bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Sẽ bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện

Theo báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật, từ năm 2011 – 2016 đã trả tự do cho 449.668 người chấp hành xong hình phạt tù, bao gồm tha hết án: 280.739 người; đặc xá: 44.397 người và 124.532 người đã chấp hành xong hình phạt tại xã, phường, thị trấn. Qua khảo sát có 74,5% người chấp hành xong hình phạt tù, 96,98% người được đặc xá, 98,9% người chấp hành xong hình phạt tại xã, phường, thị trấn đã phấn đấu trở thành người lương thiện... Những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào bảo đảm thi hành nghiêm minh pháp luật và phục vụ có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm, giữ gìn ổn định an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi để đất nước phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện cũng gặp không ít khó khăn như tính chất tội phạm nguy hiểm, phức tạp hơn; số phạm nhân phạm tội về hình sự, ma túy loại nguy hiểm, mức án cao, nhiều tiền án, nhiễm HIV/AID chống lại nội quy giam giữ quyết liệt, manh động, liều lĩnh. Số người chấp hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn chưa chấp hành nghiêm túc bản án, nghĩa vụ của người chấp hành án theo quy định của pháp luật, bỏ đi khỏi nơi cư trú không báo cáo chính quyền cấp xã xảy ra ở nhiều địa phương. Kinh phí cấp cho hoạt động triển khai tổ chức THAHS tại xã, phường, thị trấn rất hạn chế và chưa đảm bảo cho công tác quản lý, giám sát, giáo dục đối tượng chấp hành án… 

Đứng trước những thách thức trên và để bảo đảm đồng bộ với Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật Tố tụng Hình sự số 101/2015/QH13, Luật THAHS cũng được dự kiến sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới, mang tính tiến bộ, đề cao quyền con người trong THAHS, thể hiện rõ hơn chính sách khoan hồng và nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta. Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THAHS đã bổ sung chế định mới về trình tự, thủ tục xét tạm tha tù trước thời hạn có điều kiện. 

Theo đó, để cụ thể triển khai thực hiện quy định về tạm tha tù trước thời hạn có điều kiện, Dự thảo Luật dự kiến bổ sung một số điều luật gồm quy định về nghĩa vụ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách; quy định cơ quan, tổ chức có trách nhiệm quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách; quy định về quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Dự thảo Luật cũng sẽ quy định, giải thích cụ thể một số điều kiện để được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện như “phạm tội lần đầu”, “có nhiều tiến bộ”, “có ý thức cải tạo tốt”, “có nơi cư trú rõ ràng”… Dự thảo Luật còn có điều luật về rút ngắn thời gian thử thách đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; quy định về hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện và tạm đình chỉ chấp hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; quy định về cấp Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. 

Nhiều chuyên gia về pháp luật hình sự đánh giá cao chế định này từ khi được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, Quyết định 1461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện. Các chuyên gia cho rằng, đây là một chủ trương hết sức đúng đắn, được người dân đồng tình và bảo đảm quyền con người theo nguyên tắc của Hiến pháp.

Trao đổi với Báo PLVN, Phó Trưởng phòng Phòng Pháp luật hình sự (Vụ Pháp luật hình sự hành chính, Bộ Tư pháp) Lê Thị Hòa cho biết: Với Việt Nam thì tha tù trước thời hạn có điều kiện là chế định mới nhưng trên phạm vi thế giới có rất nhiều nước đã áp dụng từ rất lâu do những mặt tích cực mà nó đem lại. Tuy nhiên, theo bà Hòa, để áp dụng có hiệu quả chế định này sẽ có nhiều vấn đề cần phải giải quyết như xây dựng bộ máy tổ chức thực thi, cơ chế quản lý, giám sát, giáo dục tại cộng đồng đối với người được tha tù trước thời hạn; xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho việc quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước thời hạn; xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý; tổ chức thực thi trong toàn quốc... Về lâu dài, hiệu quả của việc áp dụng quy định này là rất lớn, nhưng bước đầu để thực hiện những công việc trên, cũng cần đầu tư nguồn kinh phí đáng kể.

Đọc thêm