Trên cơ sở ý kiến đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ngày 7/11/2013, Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã thay mặt nước CHXHCN Việt Nam ký Công ước chống tra tấn tại Trụ sở Liên hợp quốc. Tại Kỳ họp thứ 8, QH khóa XIII, sẽ xem xét việc phê chuẩn Công ước, để hoàn thành thủ tục để Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của Công ước.
Theo Ủy ban đối ngoại của QH, việc phê chuẩn Công ước phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước ta. Việc phê chuẩn Công ước cũng là cơ sở pháp lý quan trọng không những đối với công tác bảo vệ và thực thi quyền con người tại Việt Nam mà còn góp phần hiệu quả vào công tác đấu tranh chống các luận điệu vu cáo, xuyên tạc về việc tra tấn, ngược đãi phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam của các thế lực thù địch nhằm chống phá Nhà nước ta.
Với việc trở thành thành viên đầy đủ của Công ước chống tra tấn, chúng ta có thêm điều kiện tranh thủ sự ủng hộ của dư luận tiến bộ thế giới, tạo cơ sở cho việc tăng cường đối thoại về nhân quyền với các nước, các tổ chức quốc tế và tham gia hiệu quả hơn vào các thiết chế bảo vệ nhân quyền của Liên hợp quốc.
Đồng thời, việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn càng có ý nghĩa khi Việt Nam đã trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016, thể hiện quyết tâm và cam kết của Việt Nam trong việc ghi nhận và đảm bảo thực thi các quy định và chuẩn mực của Liên hợp quốc về nhân quyền...
Tuy vậy, việc trở thành thành viên chính thức của Công ước cũng đặt ra yêu cầu về việc nội luật hóa một số quy định của Công ước cũng như tăng cường năng lực của các cơ quan nhà nước trong việc thực thi đầy đủ các quy định của Công ước.
Công ước không có nội dung trái với pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, Công ước có một số nội dung chưa được quy định trong văn bản pháp luật do Quốc hội, UBTVQH ban hành. Cụ thể, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về tội danh tra tấn như tại Điều 1 Công ước; chưa có quy định về từ chối dẫn độ đối với người có nguy cơ bị tra tấn, chưa quy định cụ thể việc bồi thường tổn thất cho nạn nhân bị tra tấn...
Đối với các nội dung của Công ước chưa được quy định trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam, Ủy ban Đối ngoại nhất trí với kiến nghị cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung một số quy định trong văn bản pháp luật trong nước nhằm nội luật hóa các nội dung của Công ước, ví dụ như:
Bổ sung tội danh tra tấn để phù hợp với định nghĩa tra tấn trong đó có hành vi tra tấn về tinh thần như quy định tại Điều 1 Công ước; Sửa đổi, bổ sung quy định về tội dùng nhục hình, tội bức cung và một số hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm con người có thể bị coi là tra tấn; Nghiên cứu bổ sung các quy định đánh giá thiệt hại về tinh thần để đảm bảo quyền được bồi thường của nạn nhân bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục theo quy định tại Điều 14 Công ước chống tra tấn.
Việt Nam cũng sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về dẫn độ đối với tội phạm tra tấn trong Bộ luật tố Tụng Hình sự và Luật tương trợ tư pháp phù hợp với quy định tại Điều 8 Công ước chống tra tấn. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật tạm giữ, tạm giam và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật tạm giữ, tạm giam; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thi hành án hình sự.
Theo đề nghị của Chính phủ, khi phê chuẩn Công ước, Việt Nam sẽ tuyên bố: “Việt Nam không áp dụng trực tiếp các quy định của Công ước chống tra tấn; việc thực hiện các quy định của Công ước chống tra tấn sẽ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam, trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương với nước khác và nguyên tắc có đi có lại.
Việt Nam không coi Công ước chống tra tấn là cơ sở pháp lý trực tiếp về dẫn độ là quan điểm nhất quán của Việt Nam khi tham gia các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hình sự.”./.