Sẽ chi gần 6,7 tỷ đồng hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước thực trạng dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, UBND tỉnh Nghệ An mới ban hành Chỉ thị về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Cơ quan chức năng chuẩn bị mang lợn dịch đi tiêu hủy.
Cơ quan chức năng chuẩn bị mang lợn dịch đi tiêu hủy.

Theo UBND tỉnh Nghệ An, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 153 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 20 huyện, thành, thị, buộc tiêu hủy 3.554 con lợn (tương đương khoảng 176 tấn). Trong đó, một số địa phương phát sinh nhiều ổ dịch như huyện Thanh Chương 27 ổ, Đô Lương 18 ổ, Anh Sơn 14 ổ, Yên Thành 14 ổ và Nghi Lộc 12 ổ...

Nguyên nhân được UBND tỉnh Nghệ An chỉ ra là, nhiều địa phương chủ quan, lơ là, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai chống dịch, chưa tiêu hủy triệt để, kịp thời dẫn đến dịch bệnh dây dưa, kéo dài; không bố trí đủ nguồn kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch, không lập các chốt kiểm soát vận chuyển động vật ra vào địa bàn, không cấm giết mổ, mua bán lợn và sản phẩm của lợn tại lò mổ, chợ trong vùng dịch;

Tỷ lệ tiêm phòng các loại vaccine cho đàn vật nuôi đạt thấp, không đáp ứng được yêu cầu phòng bệnh, đặc biệt là hầu hết các địa phương không chỉ đạo tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn lợn thịt; việc tái đàn, tăng đàn và vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật chưa được kiểm soát chặt chẽ, triệt để theo quy định; chưa xử lý nghiêm các trường hợp không tiêm phòng các loại vaccine bắt buộc cho đàn lợn...

Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã cần trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh.

Có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao.

Lợn dịch được rải vôi trước khi mang đi tiêu hủy.

Lợn dịch được rải vôi trước khi mang đi tiêu hủy.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Võ Ba – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho biết, sau khi phát hiện các ổ dịch đơn vị đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập 3 đoàn công tác phối hợp với lãnh đạo và bộ phận chuyên môn của các địa phương trực tiếp xuống các điểm dịch để kiểm tra. Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp chăn nuôi an toàn, đặc biệt các biện pháp đặc thù để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi như: Không sử dụng đồ ăn thừa, không sử dụng nước từ ao hồ, hạn chế tiếp xúc với các thương lái...

“Ngoài việc hỗ trợ về chuyên môn, từ đầu năm 2024 đến nay đơn vị cũng đã kịp thời hỗ trợ, cung cấp 1.540 lít hóa chất và 250 bộ bảo hộ lao động để các địa phương phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh”, ông Ba nói.

Cũng theo ông Trần Võ Ba, Chi cục đã có báo cáo sơ bộ trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An về phương án hỗ trợ kinh phí cho những hộ chăn nuôi lợn bị bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi trong 6 tháng đầu năm.

“Việc hỗ trợ kinh phí sẽ áp dụng theo quy định, với mức hỗ trợ là 38.000 đồng/1kg. Theo đó, tổng số tiền cần chi ước gần 6,7 tỷ đồng”, ông Ba thông tin thêm.

Đọc thêm