Ngoài những hình thức lừa đảo “truyền thống” như trúng thưởng, gửi tiền làm từ thiện, nhận bưu kiện từ nước ngoài... thì các hình thức mới đã xuất hiện.
Có thể “điểm danh” một số hình thức lừa đảo mới như: giả danh công an gọi điện báo án, buộc cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản nhằm chiếm đoạt tiền; dụ dỗ với chiêu bài “việc nhẹ, lương cao” rồi bán người qua biên giới. Hay gần đây nhiều người mắc bẫy “chiêu” mời tham gia một trò chơi hoặc ngồi nhà kinh doanh qua mạng...
Đáng chú ý là một số đối tượng lừa đảo đã lợi dụng chính sách, chủ trương tốt đẹp của Nhà nước để “ăn theo”, như lừa giúp mua nhà ở xã hội, cho vay ưu đãi hay giải ngân gói hỗ trợ vốn cho người nghèo, đối tượng chính sách, hỗ trợ đi lao động nước ngoài; hoặc kêu gọi từ thiện, giúp đỡ những trường hợp khó khăn, bệnh tật...
Làm sao chặn được bàn tay lừa đảo đang len lỏi trong cuộc sống? Ngoài sự cảnh báo của Công an, truyền thông báo chí và cả bài học đớn đau từ “người thật, việc thật” thì rất cần vai trò của chính quyền và các cơ quan chức năng. Đặc biệt, sự sẻ chia, quan tâm tới nhau trong một cộng đồng, trong một gia đình cũng góp phần quan trọng giúp mỗi người tránh được cạm bẫy lừa đảo.