Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành cũng đã quy định một số giải pháp rút ngắn thời hạn chấp hành hình phạt đối với người chưa chấp hành hình phạt tù trong trại giam, đó là những quy định về miễn, giảm hình phạt. Điều kiện về miễn chấp hành hình phạt tù đối với người phạm tội nhìn chung dựa trên ba tiêu chí là thời gian thực sự chấp hành hình phạt, thái độ cải tạo phục hồi (như lập công, có nhiều tiến bộ, chấp hành tốt nội quy, quy chế trại giam, xếp loại cải tạo) và lý do nhân đạo (như mắc bệnh hiểm nghèo).
Cụ thể, việc miễn chấp hành toàn bộ hình phạt tù đối với người phạm tội được quy định tại Điều 57 BLHS. Riêng đối với người chưa thành niên (NCTN) phạm tội thì vấn đề này còn được quy định tại Điều 76 BLHS. Theo quy định này, người phạm tội có thể được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt tù có thời hạn trong hai trường hợp.
Thứ nhất, người phạm tội bị kết án tù có thời hạn, chưa chấp hành hình phạt mà lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt cho người đó (Khoản 1 Điều 57).
Thứ hai, người bị kết án về tội ít nghiêm trọng đang được hoãn chấp hành hình phạt mà lập công thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt (Khoản 3 Điều 57).
Việc miễn chấp hành phần hình phạt còn lại có thể được tiến hành đối với người phạm tội trong thời gian tạm đình chỉ chấp hành hình phạt mà lập công hoặc trong trường hợp được đặc xá. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 57 BLHS, người bị kết án về tội ít nghiêm trọng đang trong thời gian được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt mà lập công thì có thể được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Đặc xá, người đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn mà thỏa mãn các điều kiện về ý thức chấp hành nội quy, quy chế trại giam, thái độ lao động, học tập, xếp loại cải tạo cũng như điều kiện về thời gian đã thực tế chấp hành hình phạt tù thì được đề nghị Chủ tịch nước quyết định đặc xá (Điều 10). Liên quan đến việc miễn hình phạt đối với NCTN, BLHS quy định NCTN đang chấp hành hình phạt tù mà lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì cũng có thể được xét miễn chấp hành phần hình phạt còn lại (Khoản 2 Điều 76 BLHS).
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, việc áp dụng những quy định này trong thực tiễn đã góp phần đáng kể vào việc động viên người bị kết án yên tâm cải tạo, tích cực sửa chữa lỗi lầm để trở thành công dân có ích cho xã hội. Tuy nhiên, những quy định trên vẫn còn có một số khiếm khuyết nhất định.
Thứ nhất, các quy định về miễn chấp hành hình phạt tù đối với người phạm tội chưa thực sự chú trọng đến việc phòng ngừa tái phạm. Quy định về miễn chấp hành toàn bộ hoặc phần còn lại của hình phạt tù hiện nay đều được tiến hành trên cơ sở không có ràng buộc gì đối với người phạm tội được trả tự do trong khi những yếu tố nguy cơ của người đó chưa chắc đã được giải quyết một cách đầy đủ.
Bên cạnh đó, đối tượng được miễn chấp hành toàn bộ hoặc phần còn lại của hình phạt tù còn khá hạn chế, chủ yếu tập trung vào đối tượng lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo. Mặc dù Luật Đặc xá có mở ra khả năng trả tự do sớm cho tất cả những người phạm tội đang chấp hành hình phạt tù mà thỏa mãn những yêu cầu về thời hạn thực tế chấp hành hình phạt, thái độ cải tạo, ý thức học tập, lao động... về nguyên tắc, đặc xá chỉ được tiến hành trong những dịp đặc biệt chứ không mang tính chất thường xuyên.
Bộ Tư pháp nhận định, việc bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện sẽ đáp ứng được các mục tiêu về cải cách tư pháp mà Bộ Chính trị đã đề ra nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Việc bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện cũng sẽ nâng cao hiệu quả trong công tác phòng ngừa tái phạm; đảm bảo hơn nữa các quyền cơ bản của con người và giảm tình trạng quá tải tại các cơ sở giam giữ hiện nay. Đặc biệt, quy định này sẽ đáp ứng yêu cầu của các chuẩn mực quốc tế về việc đưa người chưa thành niên vào trại giam phải trong một thời gian ngắn nhất có thể được.
Theo phương án được đề xuất thì tha tù trước thời hạn có điều kiện có thể áp dụng đối với người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn khi có đủ một số tiêu chí nhất định, như điều kiện về thời gian thực tế đã chấp hành hình phạt tù; điều kiện về thái độ học tập, cải tạo (có thể với một số loại tội phạm sẽ không được áp dụng chế định này).
Khi được áp dụng chế định này, người bị kết án cần phải tuân thủ một số điều kiện nhất định (trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu; không đi khỏi nơi cư trú khi không được phép; báo cáo định kỳ với cơ quan, tổ chức giám sát; không được làm một số công việc nhất định…) do cơ quan có thẩm quyền xác định trong một thời gian ấn định hay còn gọi là thời gian thử thách và chịu sự giám sát của một cơ quan, tổ chức nhất định (có thể là các tổ chức đoàn thể xã hội).
Nếu trong thời gian thử thách này mà người phạm tội vi phạm các điều kiện đặt ra thì tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền có thể thay đổi điều kiện thử thách hoặc có thể buộc người đó phải chấp hành nốt thời hạn còn lại của hình phạt tù trong trại giam.