Theo Dự thảo, bên cạnh những hình thức khen thưởng hiện nay, người tố cáo tham nhũng sẽ được tặng “Huân chương Dũng cảm”, được trích thưởng thêm 20% tài sản thu hồi trong vụ việc mà họ tố cáo (tiền thưởng không vượt quá 10 tỉ đồng).
Tham nhũng là những kẻ có quyền hành
Dưới một góc độ nhất định, đây thực sự là điểm mới mang tính quan trọng, góp phần tạo động lực khuyến khích người dân tích cực tham gia công tác phòng, chống tham nhũng. Việc “trích thưởng thêm 20% tài sản thu hồi” chính là sự ghi nhận xứng đáng những đóng góp của họ trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực vốn đã chứa đựng rất nhiều gian nan, nguy hiểm.
Có lẽ chúng ta đều biết, tội phạm tham nhũng thường là những kẻ có quyền hành trong tay và đương nhiên, để đấu tranh với bọn “sâu mọt” đó không hề đơn giản. Do vậy, người tố cáo tham nhũng phải có tinh thần dũng cảm và quyết tâm rất lớn trong đấu tranh để đưa tội phạm tham nhũng ra trước ánh sáng công lý.
Song thực tế đáng buồn là thời gian qua, đã có không ít người sau khi dũng cảm tố cáo tham nhũng thì lại bị gây khó dễ trong công tác thậm chí còn bị trả thù, trù dập, đe dọa đến tính mạng của bản thân và gia đình… Điển hình là trong vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội), những cá nhân đứng đơn tố cáo chỉ được thưởng khoảng 350.000 đồng, một số tiền “quá ít ỏi, chưa hợp lý lắm”, như nhận định của ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng.
Nhiều người hùng chống tham nhũng bị trù dập
Trong cuộc đấu tranh với tội phạm tham nhũng hiện nay - loại hình tội phạm ngày càng tinh vi, thì sự dũng cảm của họ thôi có lẽ vẫn là chưa đủ. Sau “ánh hào quang” của những lần được gặp gỡ, biểu dương, của những tấm bằng khen, giấy khen…, người tố cáo tham nhũng đã phải đối mặt với biết bao khó khăn, vất vả trong cuộc sống, những hệ quả từ việc họ đã dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực.
Báo chí đã đưa khá nhiều thông tin về những “người hùng” sau khi dũng cảm đứng lên tố cáo tham nhũng thì lại rơi vào cảnh cơ cực, bị cô lập, bị điều chuyển công tác thậm chí còn bị mất việc. Đó là thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người sau khi tố cáo những tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2006 đã phải chịu rất nhiều áp lực, bị đầu gấu đến tận nhà “hỏi thăm”, phá hoại tài sản… rồi phải viết đơn xin ra khỏi ngành giáo dục; đó là chị Hoàng Thị Nguyệt, nhân chứng trong vụ “nhân bản” xét nghiệm ở Bệnh viện Hoài Đức đến nay “vẫn nhận được rất nhiều tin nhắn đe dọa, quấy rối từ những số máy lạ”…
Chị Hoàng Thị Nguyệt |
Vì vậy, thưởng lớn, thưởng nhiều cho người tố cáo tham nhũng là cần thiết song thiết nghĩ cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng cần đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ cá nhân tố cáo và người thân của họ.
Phải xử tham nhũng tới nơi
Ông Lê Văn Lân, Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thừa nhận: Người đi tố cáo thường yếu thế hơn người bị tố cáo nên dễ bị trù dập, trả thù; các biện pháp bảo vệ người chống tham nhũng còn chung chung, chưa phát huy hiệu quả. Theo tìm hiểu, từ gần 10 năm trước, Luật Phòng, chống tham nhũng (2005) đã quy định khá rõ những nội dung về bảo vệ người tố cáo. Theo đó, nghiêm cấm hành vi “Đe dọa, trả thù, trù dập người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng” (Khoản 2 Điều 10, Chương I, Luật Phòng, Chống tham nhũng). Song do nhiều nguyên nhân nên việc thực thi các quy định này trên thực tế vẫn còn có nhiều hạn chế nhất định.
Nhiều trường hợp danh tính của người tố cáo không được giữ kín; tố cáo hôm trước, hôm sau người bị tố cáo đã biết… Điều này không những làm hạn chế công tác điều tra mà còn kéo theo không ít “nguy hiểm” đối với người tố cáo và thân nhân của họ. Bởi lẽ tội phạm tham nhũng là những kẻ có chức, có quyền, khi việc tham nhũng có dấu hiệu bị bại lộ, đứng trước nguy cơ mất địa vị, thậm chí là bị truy tố hình sự, bị ngồi tù thì chúng sẽ không từ bất cứ một thủ đoạn nào để buộc những người tố cáo phải “im miệng”.
Do đó, song song với việc nâng mức thưởng cho người tố cáo tham nhũng, chúng ta cần xử lý nhanh chóng thông tin tố cáo để tội phạm tham nhũng không kịp “trở tay”; bảo mật thông tin và sự an toàn cho người tố cáo cùng gia đình của họ; điều tra và xử lý kiên quyết tội phạm tham nhũng… Đó là cơ sở để từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội; tạo bước đột phá trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Tạ Quang Đạo
(Khoa Công tác đảng, công tác chính trị Trường Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng)