Có nguy cơ thiếu điện từ năm 2021 - 2023
Chủ trương phát triển điện hạt nhân có khá sớm ở Việt Nam với mục tiêu đến năm 2030, điện hạt nhân chiếm tỷ trọng hơn 4.600 MW. Nhưng quá trình thực hiện có nhiều biến đổi, cuối năm 2016 Chính phủ đã quyết định dừng dự án điện hạt nhân với lý do nợ công và bối cảnh kinh tế còn khó khăn. Như vậy hơn 4.600 MW công suất đặt trong Quy hoạch điện 8 sẽ không còn và cần tìm nguồn khác để thay thế.
Ông Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đến thời điểm này, tất cả các mục tiêu của Quy hoạch điện 7 đều chưa đáp ứng được, chưa kể đến phần thiếu hụt lượng điện từ điện hạt nhân. Mặc dù đã có các quyết định điều chỉnh Quy hoạch điện 7, bổ sung nhiều biện pháp triển khai phát triển năng lượng và năng lượng tái tạo nhưng còn nhiều khoảng trống, cần phải bổ sung trong Quy hoạch điện 8.
Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng Giám đốc EVN thông tin, 15 năm qua, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, trung bình 12%/năm, đến năm 2018 tổng sản lượng điện quốc gia là 219,3 tỷ kwh, đứng thứ 2 ở khu vực ASEAN và thứ 22 trên thế giới. Nhưng dự báo tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao, do đó, buộc EVN phải chủ động tính toán nhiều phương án khác nhau, ứng với phụ tải và mực nước về ở các hồ khác nhau.
Cũng theo vị này, nguồn cung điện từ năm 2019-2030 phụ thuôc chủ yếu vào nhiệt điện than, nhiệt điện khí, nguồn từ thuỷ điện và năng lượng tái tạo. Dự kiến, năm 2019-2020 nguồn điện cung cấp sẽ đảm bảo, nhưng từ năm 2021-2023 gần như các nguồn điện đã huy động hết, xuất hiện rủi ro, có thể có nguy cơ thiếu điện. Trong giai đoạn này, nguồn điện giá thành cao đều được huy động hết, trong đó, giá phát điện bằng dầu có thể tăng gấp 2,3 lần so với giá phát điện từ nguồn nhiệt điện than và tua bin khí.
Giai đoạn 2023-2025 cũng sẽ thiếu điện nếu phụ tải tăng hơn dự kiến. Đến năm 2025-2030 về cơ bản nguồn cung điện sẽ đáp ứng được nhưng việc đảm bảo cung cấp điện vào năm 2030 xảy ra nhiều tiềm ẩn rủi ro do các nguồn điện khởi công xây dựng đưa vào vận hành trong 5 năm tới rất thấp so với điều chỉnh Quy hoạch 7 như nhiệt điện than, chỉ có 7 dự án với hơn 7000 MW, chưa “nhìn thấy” 18.000 MW nguồn từ năng lượng mặt trời và điện gió ở đâu.
Còn ít nghiên cứu liên quan đến điện tái tạo
Trong các quyết định của Thủ tướng, nguồn điện từ năng lượng mặt trời và gió đều được đặt vào vị trí quan trọng. Cụ thể, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch điện 7 cho thấy, mục tiêu tổng công suất vào năm 2030 đạt 6.000 MW điện gió, 12.000 MW điện năng lượng mặt trời. Nhưng theo ông Nguyễn Quân, những nghiên cứu liên quan đến năng lượng mặt trời và điện gió đều rất ít.
Ông Quân bày tỏ lo ngại vì không có những đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về năng lượng tái tạo. Do đó, trước mắt sẽ phải phụ thuộc vào nhiều nhà đầu tư nước ngoài về công nghệ, thiết bị. Đây sẽ là thách thức lớn vì mục tiêu 10% nguồn cung điện của năm 2030 là điện tái tạo. Nếu không có các nghiên cứu và dự án đáp ứng nhu cầu thì nguồn cung này sẽ không biết lấy đâu để bù vào.
Phó Tổng Giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cũng cho biết, hiện nay năng lực thuỷ điện lớn đã không còn, giá thành điện sau này sẽ cao hơn. Do đó, cần phải khuyến khích phát triển điện mặt trời. Đặc biệt các khu công nghiệp nên tự đầu tư phát triển điện mặt trời áp mái và khu vực miền Nam có tiềm năng rất lớn trong loại điện này. Nếu phát triển được loại hình điện áp mái này, nhu cầu điện của miền Nam sẽ bớt áp lực lên hệ thống điện nói chung.
Ngoài ra, theo ông Hải, năm 2021 phải đảm bảo vận hành các dự án điện ở miền Nam như Long Phú, Sông Hậu, đồng thời có cơ chế khung giá mua điện từ Lào với giá đàm phán hợp lý và cần tăng mua điện từ Trung Quốc để truyền tải điện cho miền Nam. Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng, giá bán điện hiện nay quyết định thị trường đầu tư điện. Chỉ cần tăng giá mua điện gió ngang với khu vực, ngay lập tức đã có một số nhà đầu tư đăng ký dự án với tổng công suất lên tới vài chục ngàn MW điện mặt trời và vài ngàn MW điện gió.
Nhìn từ góc độ khác, ông Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đặt vấn đề, nếu ngành Điện cứ “hì hục” đáp ứng nhu cầu điện, cứ lo nguồn cung điện thì nền kinh tế sẽ gặp vấn đề. “Cần có cách tiếp cận khác. Dư địa lớn nhất để giải quyết cân bằng năng lượng ở Việt Nam là từ phía sử dụng; phải để ý đến cơ cấu ngành và hiệu quả sử dụng mới là vấn đề chính, không thể cứ mãi nghĩ đến câu chuyện nguồn cung ở đâu, thiếu điện ra sao” - ông Thiên đề xuất.