Sẽ hướng dẫn về công tác tư pháp của UBND xã

(PLO) - Thứ trưởng Phan Chí Hiếu vừa chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV. Các đại biểu tán thành sự cần thiết xây dựng Thông tư thay thế và đặc biệt nhất trí về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã đối với công tác tư pháp trên địa bàn tại Dự thảo Thông tư.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu chủ trì cuộc họp.

Nhiều khó khăn trong triển khai công tác tư pháp cấp xã

Tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp) Nguyễn Ngọc Vũ báo cáo: Ngày 22/12/2014, Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BVN hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi tắt là TTLT số 23).

Qua gần 4 năm thực hiện, TTLT số 23 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương thực hiện kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy, biên chế các cơ quan tư pháp trên địa bàn. Tuy nhiên, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương và qua theo dõi của Vụ Tổ chức cán bộ, việc thực hiện TTLT số 23 đến nay đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập đòi hỏi cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. 

Riêng về việc hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, ông Vũ cho biết TTLT số 23 không có một chương riêng hướng dẫn về công tác tư pháp của UBND cấp xã như TTLT số 01/2009/TTLT-BTP-BNV. Bởi trong quá trình xây dựng TTLT số 23 có ý kiến cho rằng trách nhiệm hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với công tác tư pháp cấp xã đã được giao cho Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp thực hiện, trong khi đó, việc bố trí biên chế đội ngũ công chức xã, phường, thị trấn đã được hướng dẫn trong các văn bản có liên quan của Bộ Nội vụ. Do đó, các TTLT giữa các bộ, ngành và Bộ Nội vụ đều được thống nhất xây dựng theo hướng chỉ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức đối với các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. 

Còn hiện nay, các quy định về chức năng, nhiệm vụ và việc bố trí đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch nằm trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Cụ thể như Nghị định số 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; TTLT số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP; Thông tư  06/2012/TT-BNV hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn; Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.

Thực tế này dẫn đến việc triển khai công tác tư pháp cấp xã còn nhiều khó khăn do chưa bao quát được hết các nhiệm vụ theo quy định, chất lượng và hiệu quả quản lý còn thấp, gây ảnh hưởng nhất định tới quyền và lợi ích của công dân, hạn chế tới sự phát triển kinh tế - xã hội và quản lý thống nhất công tác tư pháp từ Trung ương tới cơ sở. Do đó, việc nghiên cứu, bổ sung quy định hướng dẫn về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác tư pháp của UBND cấp xã, về công chức tư pháp - hộ tịch thuộc UBND cấp xã trong Thông tư thay thế TTLT số 23 là rất cần thiết.

“Chính danh” cho công tác tư pháp cấp xã

Ông Bùi Văn Minh (Vụ Tổ chức biên chế, Bộ Nội vụ) chia sẻ, Dự thảo các Nghị định thay thế Nghị định 24/2014/NĐ-CP (quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và Nghị định 37/2014/NĐ-CP (quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương) quy định về sở “cứng” - sở “mềm”, phòng “cứng” - phòng “mềm” thì đều quy định Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp là tổ chức “cứng”.

Đồng thời, bàn về nội dung hướng dẫn chuyên môn công tác tư pháp cấp xã, ông Minh khẳng định việc này thuộc thẩm quyền Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, ông Minh băn khoăn nếu để Dự thảo Thông tư hướng dẫn về tổ chức (UBND cấp tỉnh quyết định số lượng công chức tư pháp - hộ tịch ở cấp xã, bảo đảm bố trí đủ biên chế, đúng tiêu chuẩn theo quy định của Chính phủ), nhưng nếu ban hành một thông tư khác cũng không phù hợp. Vì thế, ông Minh đồng ý với Dự thảo Thông tư của Bộ Tư pháp hướng dẫn các vấn đề liên quan đến tư pháp cấp xã nhằm tạo thuận lợi cho địa phương trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Nhiều ý kiến đồng tình cho rằng nên có hướng dẫn về tổ chức như Dự thảo Thông tư, vẫn phù hợp với các quy định hiện hành lại bảo đảm tính minh bạch, tránh tình trạng bổ nhiệm công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã nhưng không làm nhiệm vụ tư pháp – hộ tịch (ví dụ, Hà Giang bổ nhiệm nhưng làm nhiệm vụ công an xã). Hơn nữa, việc hướng dẫn về tổ chức sẽ là cơ sở để cơ quan Trung ương tiến hành kiểm tra có thực hiện đúng hay không.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu ghi nhận các ý kiến của đại biểu, nhất trí bổ sung việc hướng dẫn về công tác tư pháp cấp xã để “chính danh” cho đội ngũ cán bộ này cũng như hướng đến mục tiêu làm sao địa phương quan tâm hơn tới cán bộ tư pháp xã. Thứ trưởng yêu cầu tiếp tục rà soát các văn bản hiện hành có liên quan làm sâu sắc thêm nội dung của Dự thảo Thông tư, trong đó định vị được các nhóm nhiệm vụ lớn của tư pháp cấp xã. 

Đọc thêm