Sẽ kiểm định thường xuyên xe máy?

Tại Hội nghị Quốc tế về An toàn giao thông 2012 diễn ra cuối tuần qua, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trịnh Ngọc Giao khẳng định, cần phải kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường bắt buộc đối với xe mô tô, xe gắn máy trong sử dụng; những xe quá cũ, kiểm định nhiều lần không đạt thì nên loại bỏ.

Đối với người Việt Nam, xe mô tô, xe gắn máy là phương tiện giao thông phổ biến, chiếm 95% số lượng xe cơ giới đang lưu hành và đáp ứng 90% nhu cầu đi lại.

Ảnh minh họa.

Loại bỏ xe cũ nát

Tuy nhiên, đến nay, xe mô tô, xe gắn máy đang tham gia giao thông ngoài việc phải đăng ký chưa phải chịu bất kỳ hình thức kiểm soát nào. Số vụ TNGT đường bộ liên quan đến xe máy chiếm số lượng lớn (khoảng 70%); không ít trường hợp trong số đó có nguyên nhân kỹ thuật như hệ thống lái, phanh, bánh xe, đèn chiếu sáng phía trước, gương chiếu hậu, còi… không đảm bảo.

Việc kiểm định xe máy định kỳ vốn không xa lạ ở nhiều nước với quan điểm đã là phương tiện giao thông thì phải qua khâu kiểm định. Trên thực tế, các nước trong EU, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore… đã và đang kiểm tra định kỳ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường  xe mô tô, xe gắn máy trong sử dụng; dùng các biện pháp hành chính, kinh tế để loại bỏ xe cũ mất an toàn, gây ô nhiễm môi trường.

Tại Hội nghị Quốc tế về An toàn giao thông 2012 diễn ra cuối tuần qua, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trịnh Ngọc Giao khẳng định, cần phải kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường bắt buộc đối với xe mô tô, xe gắn máy trong sử dụng; những xe quá cũ, kiểm định nhiều lần không đạt thì nên loại bỏ.

Việc kiểm định cần tiến hành trước tiên tại những thành phố lớn; có lộ trình từng bước mở rộng ra các tỉnh thành trong cả nước. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ của “Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” mà Thủ tướng đã giao cho Bộ GTVT.

Tuy nhiên, với 108 trung tâm, chi nhánh đăng kiểm xe cơ giới; 191 dây chuyền kiểm định cơ giới hóa và trên 700 đăng kiểm viên, việc kiểm định xe máy có hiệu quả hay không vẫn là một bài toán.

Kiểm soát lái xe sau đào tạo

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch thường trực UBATGTQG Đinh La Thăng khẳng định khi bế mạc Hội nghị Hội nghị Quốc tế về An toàn giao thông 2012.

Theo đó, trong năm 2013, UBATGTQG sẽ triển khai và tham mưu cho Chính phủ tập trung chỉ đạonghiên cứu hoàn thiện tiêu chuẩn, giải pháp thiết kế, đặc biệt là tiêu chuẩn làn đường dành cho mô tô, xe máy; tiêu chuẩn thiết kế về các yếu tố hình học cải thiện tầm nhìn nhằm hạn chế TNGT; hoàn thiện cơ chế phân làn xe theo tốc độ và ứng dụng hệ thống camera trong quản lý dòng xe; thống nhất quy định về hệ thống và cách đặt biển báo hiệu đường bộ.

Đặc biệt, sẽ triển khai đề án nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, xây dựng chương trình kiểm soát lái xe sau đào tạo; có biện pháp nâng cao kỹ năng và giáo dục đạo đức người lái xe; tập trung đào tạo, nâng cao năng lực và trách nhiệm trong thực thi công vụ của lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về TTATGT; xây dựng các chuyên đề cưỡng chế theo các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT như tốc độ, làn đường, bia rượu; đào tạo nhân lực, đầu tư trang thiết bị y tế cho việc sơ cấp cứu và điều trị nạn nhân TNGT; tập huấn cho CSGT, thanh tra giao thông kỹ năng sơ cấp cứu người bị nạn, đồng thời xây dựng chương trình đào tạo đội ngũ lái xe taxi, xe khách và tình nguyện viên về tham gia cấp cứu TNGT cũng như xây dựng các Trung tâm cứu hộ, cứu nạn khu vực...

Từ 1/12/2015, sử dụng xăng sinh học E5

Ngày 22/11, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg về việc ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, phối chế, phân phối và kinh doanh xăng, dầu tại Việt Nam cho động cơ xăng và động cơ đi-ê-zen của các phương tiện cơ giới đường bộ (trừ các loại xăng, dầu đặc chủng của quân đội, công an phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định.)

Cụ thể, từ ngày 1/12/2014, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn 7 tỉnh thành gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu là xăng E5. Từ ngày 1/12/2015, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc là xăng E5.

Đối với xăng E10, từ ngày 1/12/2016, được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn 7 tỉnh thành gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu. Và từ 1/12/2017, xăng E10 được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc.

Hồng Minh

Đọc thêm