Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam chủ trì buổi công bố Quyết định thanh tra. Tham dự buổi công bố có Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, các thành phần thuộc đoàn kiểm tra theo Quyết định 390, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số đơn vị liên quan.
Thời hạn kiểm tra là 35 ngày làm việc
Tại buổi công bố, ông Lê Quang Tiệp, Trưởng đoàn kiểm tra đã công bố toàn văn Quyết định số 390/QĐ-TTCP của Thanh tra Chính phủ.
Quyết định 390 được ban hành căn cứ vào Văn bản số 3636/VPCP-V.I ngày 3/5/2019 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền thời gian qua. Ông Lê Quang Tiệp, thanh tra viên chính, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối kinh tế ngành (Vụ I), Thanh tra Chính phủ được giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn kiểm tra. Thành viên Đoàn kiểm tra có sự tham gia của đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.
Theo Quyết định 390, đoàn kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra, xác minh việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc điều chỉnh mức giá bán điện, thời điểm ngày 20/3, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua và thực hiện kế hoạch tiến hành kiểm tra, xác minh được Tổng Thanh tra Chính phủ phê duyệt. Thời hạn kiểm tra là 35 ngày làm việc thực tế kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra (không kể ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định).
Vụ trưởng Vụ I được giao giúp Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc đoàn kiểm tra, xử lý hoặc trình Tổng Thanh tra Chính phủ xử lý theo thẩm quyền các kiến nghị của đoàn kiểm tra. Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra, Thanh tra Chính phủ được giao thực hiện giám sát đoàn kiểm tra theo quy định.
Cần kiểm toán EVN
Trước đó, ngày 3/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện, làm rõ đúng, sai báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2019. Quyết định này của Thủ tướng đưa ra sau những phản ánh về việc tiền điện tháng 4 tăng đột biến do giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 8,36% từ ngày 20/3.
Chiều 4/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, quyết định tăng giá điện dựa trên cơ sở quy định hiện hành và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. “Chia sẻ với suy nghĩ, bức xúc của người tiêu dùng khi nhận hóa đơn tiền điện cao hơn trong bối cảnh khó khăn hiện nay” - ông Hải nói nhưng khẳng định Bộ Công Thương đã đánh giá tác động đầy đủ các mặt trước khi quyết định việc này.
Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng về việc kiểm tra giá điện tại các đơn vị thuộc EVN theo Nghị quyết 30/NĐ-CP. Theo đó, Bộ Công Thương nhấn mạnh việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện 8,36% là thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Chính phủ về điều chỉnh giá bán lẻ điện. Việc điều chỉnh giá là trên cơ sở chi phí đầu vào mua điện năm 2019 tăng khoảng 20.900 tỷ đồng. Cũng theo Bộ này, phương án tăng giá bán lẻ điện bình quân đã thực hiện chưa bao gồm khoản chênh lệch tỉ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện dự kiến năm 2018. Nếu tính thêm thì giá bán sẽ là khoảng 1.879,90 đồng/kWh, tăng tương ứng 9,26%.
Việc sử dụng biểu giá điện lũy tiến theo Bộ Công Thương cũng là để khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và thực hiện an sinh xã hội, vốn là phương pháp được nhiều nước áp dụng. Mức giá bán lẻ điện bình quân của Việt Nam so với 8 nước Đông Nam Á bằng 66%, bằng 37% của Campuchia và 78% giá điện của Lào…
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội thì khẳng định việc cân nhắc thời điểm điều chỉnh giá điện vào ngày 20/3 đã được Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá tính toán tổng thể để đồng bộ với các điều chỉnh về giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế, học phí, đảm bảo CPI của cả năm nằm trong khoảng từ 3,3 - 3,9%, thấp hơn 4% mức CPI chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua. Chính phủ cũng yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra giá điện, sớm công bố công khai và nghiên cứu sửa biểu giá điện lũy tiến, đẩy mạnh phát triển thị trường điện...
Vấn đề giá điện cũng làm “nóng” nghị trường Quốc hội ngay tại kỳ họp thứ 7 đang diễn ra trong thảo luận tại các tổ đại biểu về tình hình kinh tế - xã hội. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nêu câu chuyện gia đình mình và cho rằng vẫn xài điện như cũ nhưng hóa đơn thanh toán lại tăng gấp đôi. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đề nghị Quốc hội cho kiểm toán, sau đó công bố rõ ràng với dân, khi minh bạch rồi thì cho dù tăng hay giảm dân cũng hài lòng, bởi quan trọng nhất là tính minh bạch. Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) dẫn số liệu “theo chuyên gia” và quả quyết “giá điện không tăng 8,36% như EVN công bố”.
Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành phản bác rằng các tính toán của đại biểu Lê Thu Hà không đúng. Tuy nhiên, ông Thành đồng tình với ý kiến đề nghị cần kiểm toán EVN.