Sẽ siết chặt việc tập sự hành nghề Luật sư

(PLVN) -Đây là tinh thần chủ đạo của dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 19/2013/TT-BTP ngày 28/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư do Bộ Tư pháp xây dựng, đang đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.

Theo Cục Bổ trợ tư pháp, qua 6 năm triển khai thực hiện Thông tư 19/2013/TT-BTP, chất lượng tập sự hành nghề luật sư đã từng bước được nâng cao, người tập sự được cập nhật kiến thức pháp luật, rèn luyện kỹ năng hành nghề luật sư cũng như trau dồi Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam, có môi trường thực tiễn để cọ xát, tích lũy kinh nghiệm. Hoạt động giám sát tập sự hành nghề luật sư đã cải thiện so với thời gian trước, sâu sát hơn, bài bản hơn, đặc biệt là công tác giám sát của Bộ Tư pháp. Các kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư do Liên đoàn luật sư Việt Nam tổ chức thực hiện đã dần đi vào ổn định, nề nếp, chất lượng kiểm tra cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn, về cơ bản thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Còn tình trạng “đánh trống ghi tên”

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thông tư số 19/2013/TT-BTP đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Đó là còn nhiều trường hợp đăng ký tập sự ở một nơi nhưng làm việc ở một nơi khác dẫn đến việc tập sự chỉ mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất; việc tập sự hành nghề luật sư ở nhiều nơi chưa đảm bảo chất lượng và hiệu quả. 

Việc giám sát tập sự hành nghề luật sư của các Đoàn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự chưa được quan tâm đúng mức, chưa được thực hiện có hiệu quả, còn lỏng lẻo nên chất lượng giám sát tập sự còn nhiều hạn chế, chất lượng tập sự hành nghề luật sư chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Điều này dẫn đến thực trạng nhiều người tập sự chỉ đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư nhưng không báo cáo đầy đủ những thay đổi trong quá trình tập sự (thay đổi nơi tập sự, luật sư hướng dẫn...) cũng như kết quả tập sự. Nhiều người đăng ký tập sự tại nơi này nhưng lại xin làm việc ở nơi khác với mục đích kinh tế. 

Ngoài ra, còn có tình trạng người tập sự chỉ đăng ký và chờ đủ thời gian để đề nghị tham dự kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Có trường hợp người tập sự đăng ký tập sự nhưng hầu như không liên hệ với luật sư hướng dẫn. Thực trạng này làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hành nghề luật sư, quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp không đủ điều kiện tập sự hành nghề luật sư vẫn được tổ chức hành nghề luật sư, Đoàn luật sư nhận tập sự và được Liên đoàn luật sư Việt Nam cho tham dự kiểm tra 

Do Thông tư số 19/2013/TT-BTP còn chưa có quy định cụ thể, chi tiết về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư liên quan đến tập sự hành nghề luật sư và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư; thiếu quy định điều chỉnh việc gia hạn tập sự hành nghề luật sư, thiếu quy định về quy trình chấm điểm và cách thức xử lý khi có chênh lệch điểm, các quy định về xử lý kỷ luật, vi phạm liên quan đến việc tập sự hành nghề luật sư chưa nghiêm khắc. Do đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động tập sự hành nghề luật sư và giám sát kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. 

Được gia hạn tập sự tối đa 2 lần

Dự thảo Thông tư mới quy định chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo khắc phục những hạn chế nêu trên. Cụ thể, dự thảo Thông tư quy định về các trường hợp không được đăng ký tập sự hành nghề luật sư. 

Tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự phải chứng minh có hoạt động hành nghề luật sư thể hiện ở các hợp đồng dịch vụ pháp lý và doanh thu. Những tổ chức hành nghề luật sư không chứng minh được có hoạt động trên thực tế, không có doanh thu thì không được nhận tập sự để tránh tình trạng nhận mà không có việc cho người tập sự thực tập, dẫn đến tình trạng “đánh trống ghi tên”, tập sự hình thức, không đảm bảo chất lượng tập sự hành nghề luật sư.

Đối với các trường hợp không đạt yêu cầu tập sự theo đánh giá của luật sư hướng dẫn và tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự hoặc trong trường hợp có lý do chính đáng (sức khỏe yếu, đi học ở nước ngoài hoặc lý do chính đáng khác) thì dự thảo Thông tư quy định họ được gia hạn tập sự hành nghề luật sư tối đa 02 lần, mỗi lần 6 tháng. Trong trường hợp gia hạn tập sự lần thứ hai mà người tập sự vẫn không đạt yêu cầu tập sự thì Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư nơi đăng ký tập sự ra Quyết định xoá tên người đó khỏi danh sách người tập sự của Đoàn luật sư. Người bị xoá tên khỏi danh sách người tập sự của Đoàn luật sư đăng ký lại việc tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại Điều 5 của Thông tư.

Quy định này góp phần nâng cao chất lượng tập sự, từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư. Trên thực tiễn, khi người tập sự không đạt yêu cầu thì không rõ cơ quan, tổ chức nào quản lý, giám sát họ cho đến khi họ thi đạt kết quả kiểm tra; trong thời gian này, có trường hợp đã có hành vi vi phạm nhưng không rõ cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền xử lý. Do đó, để đảm bảo yêu cầu quản lý, hạn chế hành vi vi phạm, quy định nêu trên của dự thảo Thông tư là phù hợp và cần thiết.

 Dự thảo Thông tư quy định trong quá trình tập sự, người tập sự chỉ được tạm ngừng tối đa 02 lần, mỗi lần không quá 03 tháng, đảm bảo quá trình tập sự được thông suốt, tránh tình trạng tạm ngừng quá nhiều lần, ảnh hưởng đến chất lượng tập sự. 

Dự thảo Thông tư cũng quy định về người tập sự bị phát hiện thuộc một trong các trường hợp không được tập sự hành nghề luật sư quy định tại khoản 2 Điều 3 của Thông tư thì phải chấm dứt ngay việc đăng ký tập sự hoặc việc tập sự (nếu đang tập sự).

Dự thảo Thông tư cũng quy định về trách nhiệm của Sở Tư pháp và Bộ Tư pháp theo hướng cụ thể, chi tiết hơn nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý, giám sát hoạt động tập sự hành nghề luật sư, kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư Việt Nam. 

Đọc thêm