Sẽ thanh tra việc thực hiện bán điện sau khi điều chỉnh giá điện tăng 8,36%

(PLVN) - Bộ Công thương đã thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra việc ghi chỉ số công tơ, áp giá và thu tiền điện, việc phúc tra, giải đáp các ý kiến của khách hàng, các trường hợp báo chí phản ánh về việc hóa đơn tiền điện tăng cao. Thanh tra Chính phủ cũng sẽ thành lập đoàn thành tra về vấn đề này và sẽ báo cáo Thủ tướng kết quả thanh tra trong tháng 6.
Sẽ thanh tra việc thực hiện bán điện sau khi điều chỉnh giá điện tăng 8,36%

Sáng nay, 7/5, giải thích về hoá đơn tiền điện tăng cao sau khi EVN điều chỉnh giá điện (từ 20/3/2019), Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân cho biết là do nhu cầu sử dụng điện cho các thiết bị giải nhiệt, hút ẩm, đặc biệt là thiết bị làm lạnh tăng cao khi thời tiết chuyển sang nóng trên cả nước.

Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân

Tính đến ngày 26/4, thống kê hoá đơn tiền điện hộ gia đình tháng 4 có mức tăng trên 30% so với tháng 3, tại Hà Nội có trên 57,29% khách hàng, còn TP HCM tỷ lệ này là 47,18%. Có nhiều khách hàng tiêu thụ gấp 2 lần lượng điện năng của tháng 3 nên tiền điện tăng 84%.

Số liệu tiêu thụ điện bình quân của tháng 4 so với tháng 3 tại Hà Nội và TP HCM cho thấy: tại Hà Nội tăng 16,17% và tại TP HCM tăng 15,53%.

“Số ngày sử dụng điện trong các kỳ hoá đơn tháng 4 nhiều hơn so với kỳ hoá đơn tháng 3 là 3 ngày, làm điện năng tiêu thụ trong tháng 4 tăng thêm 10,71% so với tháng 3.

Cùng các yếu tố điện sử dụng tăng theo quy luật hàng năm vào những tháng hè (khoảng 16%), nếu không điều chỉnh giá điện cũng làm tăng mức tiêu thụ điện của tháng lên gần 27%-28,1%” – Tổng Giám đốc EVN giải thích.

Theo EVN, đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến hoá đơn tiền điện tăng lên đáng kể. Còn việc điều chỉnh giá điện vào cuối tháng 3 cũng chỉ tác động một phần thứ yếu tới hoá đơn tiền điện.

Ông Trần Đình Nhân khẳng định, “Dù ở mức tiêu thụ nào thì việc tác động của giá điện mới cũng chỉ tăng xấp xỉ 8,36% so với giá điện cũ”.

Kiểm tra công tơ và ghi chỉ số điện hàng tháng

Trong thời gian qua, EVN đã thực hiện thông báo và phúc tra 100% cho khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,5 lần so với tháng trước liền kề. Tất cả các sai sót (nếu có) liên quan đến công tơ và ghi chỉ số công tơ đều được giải quyết và tiến hành các thủ tục truy thu/ thoái hoàn tiền điện cho khách hàng theo đúng quy định.

Giám đốc Công ty Điện lực sẽ trực tiếp chỉ đạo giải quyết các ý kiến của khách hàng về hoá đơn tiền điện tăng cao trong thời gian sớm nhất và không quá 24h.

Đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh, nếu không điều chỉnh giá điện sẽ không đảm bảo việc cung cấp điện cho người dân. Tuy nhiên, Bộ Công thương và EVN sẽ thực hiện nghiên cứu lại cơ cấu giá điện bậc thang, tính toán đầy đủ ảnh hưởng đến từng đối tượng khách hàng.

"Hiện Bộ Công thương đã thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra việc ghi chỉ số công tơ, áp giá và thu tiền điện, việc phúc tra, giải đáp các ý kiến của khách hàng, các trường hợp báo chí phản ánh về việc hóa đơn tiền điện tăng cao. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cũng sẽ thành lập đoàn thành tra về vấn đề này và sẽ báo cáo Thủ tướng kết quả thanh tra trong tháng 6" - Đại diện Bộ Công thương cho biết.

Tiếp tục đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá vừa có ý kiến về đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Tổng cục Thống kê và các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện ngày 20/3/2019 đến sản xuất và đời sống nhân dân theo đúng chỉ đạo tại Thông báo số 364/TB-BCĐĐHG ngày 19/4/2019 của Ban Chỉ đạo điều hành giá; chủ động cung cấp thông tin chính thống, kịp thời cho các cơ quan thông tấn báo chí để có thông tin chính thức, ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp, không để các đối tượng xấu lợi dụng gây mất trật tự an ninh xã hội.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp với các Bộ, ngành để tiếp tục tổ chức triển khai tốt công tác tuyên truyền, chủ động cung cấp thông tin về công tác điều hành giá nhất là các mặt hàng có tính chất nhạy cảm đến người dân; thực hiện công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa, hạn chế những thông tin thất thiệt gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường theo đúng chỉ đạo tại Thông báo số 364/TB-BCĐĐHG ngày 19/4/2019 của Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Chí Kiên

Đọc thêm