Kết quả khảo sát của Bộ GD&ĐT cho thấy, việc được miễn giảm học phí là một trong những lý do chính, thu hút được khoảng trên 50% sinh viên ngành sư phạm. Tuy nhiên, việc này lại tác động không tốt đến giáo dục hướng nghiệp. Một tác động tiêu cực dẫn đến từ chính sách này trong thực tiễn khi đặt vào trong bối cảnh là không quản lý được sinh viên hưởng chính sách miễn học phí.
Theo quy định, để được hưởng chính sách miễn học phí, sinh viên phải có cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ phục vụ trong ngành GD&ĐT. Nếu không thực hiện cam kết phục vụ trong ngành sẽ phải bồi hoàn toàn bộ số tiền đã được miễn đóng góp học phí trong thời gian học tại trường. Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình thực thi chính sách này, không có bất cứ cơ quan, đơn vị hay bộ phận nào để kiểm tra xem sinh viên có thực hiện đúng cam kết hay không. Hiện nay, số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành, nghề gây lãng phí rất lớn nguồn nhân lực đầu tư cho giáo dục.
Từ thực tế này, Bộ GD&ĐT đề xuất thay chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm bằng việc cho vay tín dụng, cấp học bổng cho sinh viên học tập tại các cơ sở đào tạo giáo viên. Đề xuất thay chính sách miễn học phí bằng vay tín dụng đối với sinh viên sư phạm đã được đưa vào Dự thảo nghị định quy định về chính sách tín dụng và hoàn trả khoản vay tín dụng đối với học sinh, sinh viên sư phạm và sẽ trình Quốc hội xem xét thời gian tới.