Sẽ xây dựng Pháp lệnh khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh

(PLVN) - Năm 2024, công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học/dioxin (KPHQBM&CĐHH) sau chiến tranh sẽ tiếp tục thực hiện 8 dự án, tổ chức xây dựng Pháp lệnh khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, bố trí khoảng 800 tỷ đồng rà phá bom mìn tại 4 tỉnh biên giới phía Bắc (Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang và Lạng Sơn).
Phiên họp đánh giá kết quả công tác KPHQBM&CĐHH năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. (Ảnh: Ngọc Thư)
Phiên họp đánh giá kết quả công tác KPHQBM&CĐHH năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. (Ảnh: Ngọc Thư)

Khảo sát, rà phá, xử lý bom mìn, vật nổ khoảng 40.500 ha

Theo báo cáo tại phiên họp đánh giá kết quả công tác KPHQBM&CĐHH năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, do Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia KPHQBM&CĐHH sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) tổ chức, năm 2023, công tác xử lý bom mìn, chất độc hóa học/dioxin tại các “điểm nóng” đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần giảm thiểu tác hại đến môi trường và con người.

Trong đó, đã khảo sát, rà phá, xử lý bom mìn, vật nổ trên địa bàn một số tỉnh với diện tích khoảng 40.500ha; giải phóng, bàn giao cho địa phương, cơ quan, đơn vị chức năng khoảng 12ha đất nhiễm chất độc hóa học/dioxin sau xử lý tại sân bay A So (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) và sân bay Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai); xử lý gần 300 tấn chất độc CS, sản phẩm thủy phân chất độc CS và vật liệu nhiễm chất độc CS...

Bên cạnh đó, công tác tổ chức giải quyết chính sách, chăm sóc sức khỏe nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học/dioxin tiếp tục được triển khai thực hiện, đạt những kết quả nổi bật. Công tác tuyên truyền, hợp tác quốc tế, vận động tài trợ, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghiệp tiếp tục được tổ chức tốt, tạo sự chuyển biến tích cực.

Dự án hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật, nạn nhân chất độc hóa học/dioxin tại 8 tỉnh bị phun rải nặng chất da cam tiếp tục được thực hiện theo đúng kế hoạch; xây dựng và phê duyệt dự án chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng với người khuyết tật, nạn nhân chất độc hóa học/dioxin và người cao tuổi dựa vào cộng đồng giai đoạn 2024 - 2028 tại 12 tỉnh, thành.

Công tác thông tin, tuyên truyền trong lĩnh vực này được đẩy mạnh, góp phần lan tỏa kết quả và nâng cao nhận thức về công tác KPHQBM&CĐHH sau chiến tranh.

Trong năm 2023, Chính phủ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy đã cam kết bổ sung khoảng 176 triệu USD vốn ODA cho công tác KPHQBM&CĐHH sau chiến tranh ở Việt Nam; trong đó riêng dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa là 117 triệu USD.

Phía Hoa Kỳ đã có thư thông báo bổ sung 30 triệu USD cho hoạt động hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Hạ viện Vương quốc Bỉ đã thông qua nghị quyết ngày 5/10/2023 kêu gọi ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Đây là Nghị viện đầu tiên trên thế giới thông qua một nghị quyết về nạn nhân chất độc da cam.

Tiếp tục thực hiện 8 dự án trong lĩnh vực

Hiện trường một vụ xử lý bom. (Ảnh: Văn phòng Ban Chỉ đạo 701).

Hiện trường một vụ xử lý bom. (Ảnh: Văn phòng Ban Chỉ đạo 701).

Năm 2024, công tác KPHQBM&CĐHH sau chiến tranh ở Việt Nam sẽ tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục thực hiện 8 dự án trong lĩnh vực KPHQBM&CĐHH bảo đảm tiến độ, chất lượng; tổ chức xây dựng Pháp lệnh khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; xây dựng Chiến lược quốc gia về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn; hoàn chỉnh Bộ Tiêu chuẩn quốc gia khắc phục bom mìn sau chiến tranh trình Bộ KH&CN thẩm định và ban hành trước tháng 12/2024; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện các văn bản hợp tác quốc tế đã ký, mở rộng hợp tác với Nga, Bỉ; tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực, nghiên cứu xử lý bom mìn, vật nổ và chất độc hóa học/dioxin...

Kết luận phiên họp, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính phối hợp Bộ Quốc phòng nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí khoảng 800 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm ngân sách chi thường xuyên năm 2023 để rà phá bom mìn tại 4 tỉnh biên giới phía Bắc (Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang và Lạng Sơn).

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế chỉ đạo thúc đẩy việc xác định nạn nhân qua các thế hệ, để làm cơ sở kịp thời đề xuất các giải pháp, xây dựng các chương trình, dự án chăm lo, bảo vệ sức khỏe, bảo đảm việc làm cho nạn nhân bom mìn, chất độc hóa học/dioxin; đề nghị Bộ TN&MT, Bộ KH&CN tiếp tục cùng với Bộ Quốc phòng rà soát, thẩm định thiết kế công nghệ xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa khi Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) gửi chính thức hồ sơ thiết kế công nghệ, bảo đảm các quy định, quy chuẩn của Việt Nam.

Thượng tướng Chiến nhấn mạnh, các Bộ, ngành, tổ chức cần tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KPHQBM&CĐHH để vận động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác này.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, ước tính hiện nay số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam khoảng 800 nghìn tấn. Tính đến năm 2023, số diện tích còn ô nhiễm rất lớn, khoảng 5.590.094ha, tương đương với gần 17,7% diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.

Cả nước hiện có trên 7,06 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng vạn người là nạn nhân bom mìn và bị phơi nhiễm chất độc hoá học da cam/dioxin. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại phát nổ đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn nạn nhân là lao động chính trong gia đình, đồng bào dân tộc thiểu số và trẻ em.

Đọc thêm