“Sếp” công ty Phú Hưng ôm hàng chục tỷ đồng để “lốp bi” dự án

(PLO) - Nhiều nạn nhân đã bị mắc bẫy "sếp" của công ty Phú Hưng khi họ ngoan ngoãn nộp hàng chục tỷ đồng góp vốn vào một dự án. Sau khi đứng ra huy động vốn của các nhà đầu tư vào làm dự án nhưng ông này lại sử dụng số tiền trên để đi chung chi, "lốp bi" cho dự án...

Dự án bị ngâm gần chục năm

Báo Pháp luật Việt Nam nhận được phản ánh từ bà Hoàng Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Hợp tác và Đầu tư Bất động sản Linh Anh (Công ty Linh Anh) tố cáo ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Xây dựng Phú Hưng (Công ty Phú Hưng) địa chỉ số 10B/162 Khương Trung (Thanh Xuân - Hà Nội) có dấu hiệu lừa đảo số tiền 10 tỷ đồng.

Được biết, Dự án đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở trên lô đất có ký hiệu 5.1 NO và 5.5 NO được UBND thành phố Hà Nội giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Khai thác kinh doanh Hà Nội (Công ty Hancom) trụ sở tại cụm 4A, phường Xuân La (quận Tây Hồ, Tp. Hà Nội) làm chủ đầu tư từ năm 2009. Tuy nhiên, Trung tâm phát triển quỹ đất quận Cầu Giấy chưa GPMB xong nên hiện tại dự án vẫn chưa được triển khai.

Trước đó, để có giấy tờ, hồ sơ pháp lý mời Công ty Linh Anh tham gia góp vốn đầu tư thì ông Nguyễn Văn Thái đã liên hệ với Công ty Hancom để xin liên doanh đồng Chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở trên lô đất có ký hiệu 5.1 NO và 5.5 NO đường Lê Văn Lương.

Công ty Hancom đã chấp thuận việc Công ty Phú Hưng xin đồng Chủ đầu tư dự án. Cụ thể, ngày 25/1/2015, Công ty Hancom và Công ty Phú Hưng ký Hợp đồng Hợp tác đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở trên lô đất có ký hiệu 5.1 NO và 5.5 NO đường Lê Văn Lương, quận Cầu Giấy số 25.1.15/HĐ-HTĐT.

Phối cảnh dự án đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở trên lô đất có ký hiệu 5.1 NO và 5.5 NO

Ngày 09/2/2015, UBND thành phố Hà Nội ra văn bản số 982/UBND chấp thuận về nguyên tắc cho 2 Công ty.

Sau khi có trong tay văn bản số 982/UBND của UBND thành phố Hà Nội, Công ty Phú Hưng đã vẽ ra những tòa nhà đẹp lung linh tại dự án để huy động vốn của các nhà đầu tư.

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, bà Hoàng Thanh Bình cho rằng: "Sau khi tiếp xúc và mời chào, vì tin tưởng Công văn 982 của Thành phố nên ngày 16/5/2015 chúng tôi đã ký Hợp đồng nguyên tắc về việc góp vốn đầu tư xây dựng, khai thác kinh doanh công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở tại khu nhà A/21 tầng trên lô đất ký hiệu 5.1 NO và 5.5 NO số 27/2015/HĐ – NT với Công ty Phú Hưng".

"Để thực hiện việc góp vốn đầu tư theo đúng Hợp đồng nguyên tắc hai bên đã ký kết, Công ty Linh Anh đã chuyển tiền số tiền 10 tỷ đồngđồng vào tài khoản mang tên Công ty Phú Hưng", bà Bình cho biết thêm.

Thất hứa và "mất tăm"...

Tuy nhiên, sau khi thực hiện việc chuyển vốn góp đầu tư dự án theo đúng Hợp đồng nguyên tắc số 27/2015/HĐ – NT giữa Công ty Linh Anh và Công ty Phú Hưng mà Công ty Linh Anh không nhận được Giấy chứng nhận đứng tên đồng chủ đầu tư dự án giữa Công ty Hancom và Công ty Phú Hưng theo đúng như cam kết từ phía Công ty Phú Hưng.

Chính vì lý do chậm chễ này, nhiều lần Công ty Linh Anh đã gửi văn bản yêu cầu Công ty Phú Hưng trả lời về việc này nhưng đều không nhận được phúc đáp. Đến ngày 28/9/2015, Công ty Phú Hưng có văn bản thông báo cho Công ty Linh Anh về tiến độ thực hiện dự án góp vốn đầu tư xây dựng, khai thác kinh doanh công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở tại khu nhà A/21 tầng trên lô đất ký hiệu 5.1 NO và 5.5 NO.

 
Danh sách một số người được ông Nguyễn Văn Thái liệt kê để biếu xén, lốp bi cho dự án.

Thông báo này ghi rõ hạn cuối cùng đến ngày 28/10/2015 sẽ được cấp Giấy chấp thuận đồng chủ đầu tư của thành phố Hà Nội.

Nhưng, đến lúc này thì Công ty Phú Hưng không còn là đồng Chủ đầu tư dự án. Bởi vì, trước đó, ngày 29/6, Công ty Hancom đã ký biên bản chấm dứt hợp đồng hợp tác đầu tư Dự án nhà ở hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở tại lô đất có ký hiệu 5.1 NO và 5.5 NO.

Để làm rõ sự việc trên, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Dương Ngọc Nhâm, Giám đốc Công ty Hancom, ông Nhâm cho biết:."Lý do Hancom dừng hợp tác với Công ty Phú Hưng là Công ty Phú Hưng không chứng minh được tài chính của mình nên thanh lý Hợp đồng hợp tác đầu tư...". 

Trước đó, ông Nhâm cũng nhắc đến câu chuyện giải thích là do tin tưởng vào một người quen và tờ séc 500 triệu đô mà ông Thái giới thiệu nên Hancom đã "chót" ký hợp tác với Phú Hưng!?.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, bà Hoàng Thanh Bình đặt câu hỏi cho rằng: "Vì sao Công ty Phú Hưng không có năng lực tài chính mà công ty Hancom vẫn chấp nhận ký kết liên doanh đồng chủ đồng tư dự án trên? Và liệu rằng Công ty Hancom có biết việc làm của Công ty Phú Hưng để dùng giấy tờ mà 2 bên ký kết để đi huy động vốn của cổ đông? Công ty Hancom có vô can trong sự việc này?",

Sau khi sự việc bị phơi bày, Công ty Linh Anh năm lần bảy lượt yêu cầu ông Thái trả lại tiền góp vốn. Và chỉ đến khi bà Hoàng Thanh Bình yêu cầu ông Nguyễn Văn Thái giải trình số tiền 10 tỷ đồng mà công ty Linh Anh góp vốn đã được sử dụng vào việc gì thì lúc này bà Bình nhận được cầu trả lời là để: "lót tay" cho một số người, để "lốp bi" làm dự án (chúng tôi sẽ đề cập trong bài viết sau)..

Liên quan đến việc này, bà Bình cũng cung cấp cho phóng viên một tờ giấy viết tay và một số chứng cứ khác của ông Thái có cả dấu đỏ của công ty Phú Hưng, đó là một bản danh sách các "sếp" mà ông này cho là đã nhận "lốp bi" trong số 10 tỷ đồng đã huy động của Công ty Linh Anh.

Để tìm hiểu sự việc và làm rõ vấn đề này, rất nhiều lần phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã liên lạc với ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Công ty Phú Hưng nhưng ông này vẫn không hợp tác.

Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin...

Đọc thêm