Tin người, cắm cả sổ đỏ chạy việc cho con
Cuối tháng 4/2013 bà Nguyễn Thị Mai (SN 1967, ngụ số nhà 11, khối 2, phường Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc) nghe con trai thưa chuyện về một người đàn ông có chức quyền hứa chạy cho suất đi học Trường trung cấp Cảnh sát tại Hà Nội với giá 250 triệu, bà Mai gặng hỏi, được biết do một trung gian giới thiệu.
Trung gian đó là Võ Trọng Thưởng (SN 1992, quê ở Nghệ An, vào Đắk Lắk làm nghĩa vụ quân sự bảo vệ kho bạc Nhà nước). Thưởng quen con trai đầu của bà. Thấy cả hai chơi với nhau thân thiết, bà đã coi Thưởng như con cháu trong nhà, tháng 3/2013 bà Mai đã đồng ý cho Thưởng nhập hộ khẩu vào nhà mình để coi như thành viên trong gia đình.
Khi biết con trai bà có nguyện vọng làm trong ngành công an, 4/2013 Thưởng đã dẫn con trai bà đến gặp Nguyễn Mạnh Hùng (1979, trú tại tổ 64, khu 6B, phường Nông Trang, TP. Việt Trì, Phú Thọ).
Thưởng giới thiệu Hùng có quan hệ với chú ruột của mình, đang làm ở tiểu đoàn cảnh sát cơ động số 3 của Bộ Công an đóng ở Lâm Đồng. Người chú này quen biết nhiều người làm lớn nên có thể giúp lo cho suất vào học trong trường trung cấp cảnh sát tại Hà Nội. Nghe Thưởng nói, con trai bị thuyết phục và bà Mai cũng vậy. Nhất là khi Thưởng lại cam kết rằng nếu chú mình không xin được việc cho thì đích thân cậu ta sẽ có trách nhiệm đòi hoàn lại tiền. Thấy yên tâm, bà Mai ngỏ ý muốn gặp Hùng.
Theo lịch hẹn bà gặp Hùng tại quán cà phê trong thành phố. Qua trò chuyện, bà Mai dần tin tưởng, có điều với số tiền 250 triệu thì còn ngần ngại. Hùng đắn đo một hồi rồi quyết giá chốt là 220 triệu và hẹn ngày trao tiền.
Bà Mai đã đi chạy vạy vay tiền được 100 triệu trước. Ngày 2/5/2013 bà hẹn gặp Hùng và Thưởng tại nhà người cậu ruột để trao tiền. Thấy bất an, đề phòng trừ bị lật lọng, bà đã nhờ người cậu lén ghi âm suốt cuộc trao đổi.
Tại đây, bà vẫn thắc mắc về lai lịch của Hùng nên kiểm chứng một lần nữa. Bà Mai yêu cầu Hùng xuất trình thẻ ngành thì Hùng biện lí do là vì không phải đi công tác nên thẻ để lại cơ quan. Thay vào đó Hùng đưa chứng minh thư của mình cho bà xem. “Do Thưởng một lần nữa cam kết là sẽ có trách nhiệm đòi lại tiền nếu việc không thành, tôi tạm an tâm”, bà Mai cho biết.
Số tiền 120 triệu còn lại, ngày 28/5 bà đã đưa nốt cho Hùng nhưng thông qua thẻ ngân hàng. Để có được số tiền này bà Mai đã liều đi thế chấp sổ đỏ ở Ngân hàng. Theo bà Mai, trong thời gian bà xoay tiền cả Hùng và Thưởng liên tục gọi điện thúc giục.
“Lần thứ hai trao tiền thì chỉ Thưởng có mặt chứ tôi không gặp Hùng. Lúc đó tôi chần chừ không định đưa, nhưng rồi “đâm lao phải theo lao”. Tôi đưa 110 triệu và xin khất lại 10 triệu sẽ gửi sau. Tất cả những lần giao tiền đều có giấy biên nhận do Hùng chuẩn bị trước. Ngày 5/6 tôi đã chuyển nốt 10 triệu cho Hùng. Trong giấy biên nhận lần này có kèm theo lời cam kết là đến tháng 9/2013 sẽ có giấy báo nhập học gửi về. Nếu lừa gạt Hùng sẽ hoàn lại tiền và chịu trách nhiệm”, bà Mai nhớ lại.
Tự điều tra vạch mặt và tóm gọn kẻ lừa đảo
Sau một thời gian chờ đợi khá dài mà con mình không được gọi, lần theo những gì mà Hùng giới thiệu, bà Mai đã gọi điện cho số máy cơ quan của Hùng.
“Tôi quá sửng sốt khi biết Hùng đã bị thải hồi từ hồi tháng 10/2012”, bà Mai nhớ lại. Trấn tĩnh lại bà đã gọi điện lại cho Hùng nhưng vờ như mình chưa biết gì về sự thực. Qua điện thoại bà Mai nhỏ nhẹ nói vẫn muốn chạy việc nhưng cần gặp Hùng để viết lại giấy biên nhận. Nghe xuôi tai, đầu tháng 1/2014 Hùng đã về gặp bà Mai. Lo sợ Hùng tháo chạy, bà Mai đã dụ Hùng về nhà bàn bạc.
Sau khi nói chuyện, Hùng một mực đòi về và hứa sau 1 tuần sẽ quay lại đưa tiền cho bà. Nhất quyết không tin, bà Mai giữ chân bằng được Hùng ở lại cho đến khi nhận được tiền. Vậy là cả đêm gia đình bà thay nhau túc trực canh không cho Hùng tẩu thoát. Sáng sớm đôi bên lại tiếp tục tranh luận. Tức mình bà Mai mời công an xuống làm việc.
Tại nhà bà Mai, khi công an phường Tân Hòa có mặt, màn kịch của Hùng đã bị lật trần. Lập tức Hùng bị bắt lên phường làm việc, tiếp đó, Thưởng cũng bị triệu tập. Đồng thời bà Mai giao nộp đoạn băng ghi âm có được tại buổi giao tiền làm bằng chứng để tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngày 25/7, TAND TP. Buôn Ma Thuột đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Hùng về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại phiên tòa, Hùng đã thừa nhận toàn bộ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa tuyên phạt 8 năm tù giam.
Có bỏ lọt tội phạm?
Nạn nhân vẫn tỏ ra không hài lòng và cho biết, không thể quy tội cho mình Hùng được. Trong vụ án này việc Hùng lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà có sự tiếp tay của Thưởng. Theo bà Mai: “Thực tế không có Thưởng làm sao mẹ con tôi biết Hùng. Giữa Thưởng và Hùng không có quan hệ họ hàng thân thích gì, vậy mà Thưởng lại nói đây là chú ruột của mình làm trong ngành công an và giúp lo được việc được cho con tôi. Đã thế Thưởng còn cam kết nếu Hùng không xin được thì sẽ đòi lại tiền cho, có thế tôi mới tin và làm theo chứ. Đặc biệt cả hai lần tôi đưa tiền đều có Thưởng làm chứng, trong băng ghi âm cũng chứng minh điều đó”.
Đồng thời bà Mai cũng cho biết, bà đã làm đơn kiện Thưởng. Tuy nhiên ngày diễn ra phiên xét xử dù người này không hề có mặt người này nhưng phiên tòa vẫn diễn ra. Bất ngờ hơn là tại phiên tòa, Thưởng đóng vai trò… bị hại. Lí do là Thưởng cũng nhờ Hùng chạy cho suất đi học như con trai bà? Ngạc nhiên nữa là Thưởng đã làm đơn bãi nại cho Hùng vì đã nhận lại được tiền.
“Cho dù Thưởng bị lừa đi chăng nữa thì tôi cũng là người bị hại, tại sao không được nhận lại tiền như Thưởng? Nếu không có chuyện Thưởng bị lừa mà lại được viết đơn bãi nại cho Hùng nhẹ tội thì chắc chắn phải có uẩn khúc gì ở đây? Tôi đã làm đơn kháng án”, nạn nhân nói./.