Đó là chia sẻ rất thật của Cục trưởng Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp Nguyễn Văn Bình liên quan tới quá trình 3 năm thực hiện Luật Nuôi con nuôi và 2 năm thi hành Công ước Lahay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế.
Giải quyết hơn 8.500 trường hợp con nuôi
Xin ông cho biết một số kết quả đáng chú ý trong thời gian triển khai Luật Nuôi con nuôi 2010 và Công ước Lahay vừa qua?
- Theo thống kê chưa đầy đủ, từ khi Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực đến nay, cả nước đã giải quyết được 7.295 trường hợp đăng ký con nuôi trong nước. Cụ thể, năm 2011 giải quyết được 2.023 trường hợp, năm 2012 được 2.607 trường hợp, năm 2013 được 2.665 trường hợp.
Phần lớn các trường hợp đăng ký nuôi con nuôi được giải quyết theo đúng thẩm quyền và thủ tục. Công tác giải quyết thực hiện trên tinh thần nhân đạo, tự nguyện, đảm bảo trẻ em được nhận làm con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trong môi trường gia đình.
Nhiều ý kiến băn khoăn về những bất cập trong việc người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi. Hiện nay, vấn đề này diễn tiến ra sao, thưa ông?
- Suốt 3 năm qua, cả nước đã giải quyết được 1.234 trẻ em làm con nuôi nước ngoài. Đặc biệt, nhiều trẻ em khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo không có cơ hội được nhận làm con nuôi trong nước, nay đã có gia đình cha mẹ nuôi người nước ngoài có đầy đủ điều kiện chăm sóc trong môi trường gia đình ở những nước có trình độ y học phát triển.
Có thể khẳng định, kể từ khi thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước Lahay, chưa có trường hợp nào sơ sảy về phương diện pháp lý đối với số trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi người nước ngoài.
So với những năm trước đây, số lượng trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi người nước ngoài đã giảm mạnh về số lượng song lại cải thiện rõ nét về chất lượng, đáp ứng yêu cầu của Công ước Lahay. Được như vậy là do chúng ta đã tuân thủ nguyên tắc ưu tiên con nuôi trong nước và chỉ cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế trong nước.
|
Ông Nguyễn Văn Bình |
Dư luận đang rất quan tâm đến trường hợp ra thành phố “mua trẻ em làm con nuôi”. Ông có thể lý giải rõ hơn hiện tượng này không ạ?
- Đây là hiện tượng xảy ra tương đối phổ biến trong thời gian qua. Cục Con nuôi đã nhận được văn bản của một số Sở Tư pháp phản ánh tình trạng người dân ở các tỉnh lân cận TP.Hà Nội và TP.HCM ra thành phố xin trẻ em (có kèm theo khoản tiền bồi dưỡng) của những người mẹ độc thân hoặc có người thân giới thiệu đến bệnh viện nhận trẻ em bị bỏ rơi về nước.
Đến khi cần cho trẻ em đi học thì người nhận nuôi mới đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị đăng ký con nuôi, đăng ký khai sinh. Nhưng cơ quan có thẩm quyền không thể thực hiện được bởi không có bất kỳ giấy tờ gì chứng minh nguồn gốc trẻ em. Cục Con nuôi đang tổng hợp tình hình để trao đổi với các cơ quan hữu quan về cách thức giải quyết những trường hợp này.
Được biết, có những địa phương mạnh dạn từ chối đăng ký nuôi con nuôi trong nước khi người nhận con nuôi hoặc trẻ em được nhận làm con nuôi không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Phải chăng mục đích tốt đẹp trong đăng ký nuôi con nuôi không đạt được, tương tự hiện tượng “mua trẻ em” nói trên?
- Thực tế đã phát sinh một số trường hợp lợi dụng việc cho con làm con nuôi để sinh con thứ ba; nhận con nuôi để trốn thi hành hình phạt tù; lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc ít người để hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước...
Các trường hợp vi phạm được cơ quan có thẩm quyền ở địa phương phát hiện kịp thời và thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận nuôi con nuôi. Theo số liệu thống kê bước đầu, cả nước đã thu hồi 60 giấy chứng nhận nuôi con nuôi vì những lý do này.
Xin trân trọng cảm ơn ông!