Siết chặt quy định để xe đưa đón học sinh an toàn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hậu quả của hàng loạt tai nạn thương tâm xảy ra khi đưa đón học sinh trong thời gian qua đã bộc lộ những “lỗ hổng” pháp lý trong việc giám sát thực hiện các giải pháp an toàn giao thông.
Chiếc xe 16 chỗ đưa đón học sinh trong vụ tai nạn tại Sơn La .
Chiếc xe 16 chỗ đưa đón học sinh trong vụ tai nạn tại Sơn La .

Ám ảnh những chuyến xe “tử thần”

Theo tổng hợp báo cáo từ Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong tháng 11 này đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em và học sinh. Cụ thể, vào ngày 2/11 xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe ôtô chở 30 học sinh, do không đóng cửa khi lưu thông đã khiến 1 học sinh lớp 6 bị rơi xuống đường và bị chính xe ôtô này cán lên người tử vong. Vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra tại huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk.

Gần đây nhất, vào ngày 22/11 tại Km 315+860 quốc lộ 12 thuộc địa bàn huyện Sông Mã, Sơn La xảy ra vụ tai nạn giao thông do xe ôtô khách 16 chỗ chở trên xe có 19 học sinh sau giờ tan học, khi đang lưu thông bị bung chốt cửa khiến 3 học sinh trên xe rơi xuống đường, làm 1 em tử vong và 2 học sinh bị thương. Lực lượng chức năng khẩn trương xác minh, kết luận về nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn nêu trên, xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc không bảo đảm an toàn khi vận hành phương tiện chở học sinh.

Những năm trở lại đây, dịch vụ đưa đón học sinh đi học ngày càng phổ biến trên cả nước. Tuy nhiên, loại hình dịch vụ này vẫn là hoạt động tự phát nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống, chưa có chế tài cụ thể về chất lượng dịch vụ cũng như phương tiện, vì vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Tại Tọa đàm về “Cách nào ngăn thảm họa xảy ra trên những chuyến xe đưa đón học sinh”, TS Trần Hữu Minh - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia đã nhận định rằng, nguyên nhân gây ra những tai nạn thương tâm ở những chuyến xe đưa đón học sinh là do các quy định pháp luật còn lỏng lẻo, ngoài ra do nhiều địa phương còn buông lỏng quản lý đối với lĩnh vực này.

Hiện Nghị định 86/2014/NĐ – CP quy định pháp lý về hình thức vận tải theo hợp đồng, trong đó có lĩnh vực kinh doanh vận tải bằng ôtô. Theo đó, đơn vị vận tải thực hiện hợp đồng vận chuyển học sinh phải có đăng ký kinh doanh, là doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh cá thể. Những yêu cầu về đăng ký, đăng kiểm, lắp thiết bị giám sát hành trình, xe phải được bảo dưỡng định kỳ, lái xe phải có bằng lái bắt buộc phải được đảm bảo cho phương tiện sử dụng để khai thác dịch vụ vận chuyển.

Trên thực tế, những quy định trên không thực sự hiệu quả khi áp dụng vào mô hình vận tải chuyên đưa đón học sinh. Nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn đang tự xoay xở, để đảm bảo an toàn cho học sinh. Nhiều trường phải đưa ra quy định chi tiết đối như trách nhiệm của người đưa đón, giáo viên chủ nhiệm, sức khỏe của lái xe... Do vậy, để đảm bảo an toàn hơn so với quy định chung hiện nay thì cần phải có chế tài riêng cho loại hình dịch vụ này.

Cùng với đó, thực tế dịch vụ đưa đón học sinh bằng ôtô hiện nay đang tồn tại nhiều vi phạm như: lái xe dùng giấy phép lái xe không hợp lệ, xe quá hạn đăng kiểm... Tất cả những vi phạm này nằm ở ý thức của cá nhân, đơn vị kinh doanh hoạt động vận tải một phần nhưng ở đó cũng thể hiện sự buông lỏng, lơ là của các cơ quan chức năng. Hiện tại, loại hình kinh doanh dịch vụ này dường như đang bị thả nổi.

Học hỏi thêm kinh nghiệm từ thế giới

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, xe buýt trường học luôn phải đáp ứng những tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt. Do đó, đây là phương tiện được xem là an toàn nhất đối với học sinh tại nhiều nước.

Điển hình ở Singapore, học sinh hàng ngày đều được đưa đón bằng xe buýt công cộng. Các nhà trường thường ký hợp đồng với các công ty vận tải, sử dụng xe buýt thông thường. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, Cục Giao thông Đường bộ Singapore (LTA) quy định tất cả các xe buýt nhỏ chuyên chở học sinh phải lắp đặt ghế ngồi quay về phía trước và dây an toàn ba điểm.

Để các công ty vận tải chấp nhận yêu cầu này, giới chức Singapore đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ. Cụ thể, các chủ xe buýt nhỏ sẽ nhận được gói hỗ trợ trị giá từ 3.000 – 4.000 đô la Singapore để trang bị thêm dây an toàn cho xe buýt hoặc mua một chiếc xe buýt mới thay thế xe cũ…

Tại Mỹ, để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhiều đơn vị quản lý xe buýt trường học đã đề ra nhiều giải pháp an toàn. Có thể kể tới, học khu Bay (nơi tập trung các trường trung học và tiểu học công cộng địa phương) có trụ sở tại thành phố Panama, bang Florida, yêu cầu tài xế xe buýt kiểm tra từng chỗ ngồi ở cuối mỗi tuyến để đảm bảo không học sinh nào bị bỏ lại trên xe.

Quay trở lại Việt Nam, mới đây Ủy ban ATGT Quốc gia vừa có Công điện số 235/CĐ-UBATGTQG gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về khắc phục hậu quả và ngăn ngừa tai nạn giao thông đối với trẻ em. Hy vọng rằng, với kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới và sự vào cuộc sát sao của các cơ quan chức năng cũng như bản thân từng phụ huynh, nhà trường thì những vụ tai nạn thương tâm từ những chuyến xe đưa đón học sinh không còn xảy ra.

Đọc thêm