Vi phạm tràn lan, tài nguyên cạn kiệt
Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông tại các tỉnh vẫn diễn ra tràn lan, nhiều con sông bị “bức tử”. Những lòng sông, con suối ngày càng bị “móc ruột”, để lại nhiều nỗi lo về môi trường và sự phát triển bền vững của các địa phương.
Nguyên nhân, do việc cấp phép nhiều mỏ cát sỏi lòng sông, cùng với đó, sau khi cấp phép, việc quản lý khai thác hầu như bị buông lỏng. Phần lớn các mỏ cát đều không chấp hành nghiêm theo giấy phép được cấp; khai thác vượt thời hạn, trữ lượng, mốc giới trong giấy phép.
Hoạt động khai thác khoáng sản không phép diễn ra chủ yếu vào ban đêm và các ngày nghỉ, các đối tượng thường thực hiện bơm hút cát không phép từ 22 giờ đêm hôm trước tới khoảng 4 giờ sáng hôm sau, rồi di dời ngay toàn bộ phương tiện vi phạm ra khỏi khu vực. Vì vậy, khi lực lượng chức năng tới kiểm tra chỉ phát hiện dấu vết hiện trường, không bắt được quả tang để xử lý.
Tuy nhiên, mỗi khi kiểm tra, xử lý, các cơ quan chức năng đều bắt giữ, xử phạt nhiều vụ vi phạm nhưng mức xử phạt thấp, không đủ sức răn đe. Theo số liệu thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La, trong năm 2019, toàn tỉnh đã kiểm tra, xử lý 81 vụ vi phạm khai thác khoáng sản (cát, sỏi) trái phép, trong đó, 38 vụ khai thác khoáng sản trái phép, 21 vụ vận chuyển khoáng sản trái phép, xử phạt vi phạm hành chính hơn 675 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các con sông cũng bị “bức tử” với hàng chục điểm khai thác có phép và trái phép. Chẳng hạn ở Quảng Nam có 184 mỏ cát, sỏi được quy hoạch thăm dò, khai thác, trữ lượng khoảng 60 triệu m3.
Trong đó, tuyến sông Vu Gia - Thu Bồn có 29 mỏ khoáng sản cát, sỏi được cấp phép và khoảng 50 điểm tập kết cát bởi 28 doanh nghiệp được tỉnh cấp phép khai thác cát, sỏi. Ngoài ra, còn hàng chục doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng khai thác trái phép, trộm cắp cát...
Việc cấp phép ồ ạt 12 mỏ cát cho doanh nghiệp tại Quảng Ngãi khai thác để làm vật liệu xây dựng cũng đã khiến nguồn khoáng sản tỉnh này dần cạn kiệt, khiến cát trên sông Trà, sông Vệ đang ở mức báo động.
Ngoài ra, tại một số địa phương, việc cấp phép khai thác khoáng sản ít dẫn đến nguồn cát xây dựng khan hiếm, nên tình trạng khai thác cát lậu trên các tuyến sông, cửa biển có diễn biến rất phức tạp.
Nếu như trước đây, toàn tỉnh Bến Tre có 26 mỏ cát được cấp phép thì đến tháng 7/2019 chỉ còn… 1 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực.
Theo đó, tỉnh này đã xử phạt hàng tỷ đồng hành vi khai thác cát trái phép; chuyển Cơ quan cảnh sát điều tra củng cố hồ sơ để xử lý hình sự nhiều đối tượng.
Sẽ đấu giá quyền khai thác cát, sỏi
Cụ thể, Điều 8 Nghị định 23 quy định, việc cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông phải bảo đảm các nguyên tắc khi cấp phép thăm dò khoáng sản, khai thác khoáng sản quy định tại khoản 1 Điều 40, khoản 1 Điều 53 Luật Khoáng sản và các nguyên tắc: Thực hiện thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, trừ trường hợp thuộc khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
Đối với trường hợp khu vực đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông nằm giáp ranh từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, trước khi cấp phép, UBND cấp tỉnh nơi có tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép phải lấy ý kiến bằng văn bản của UBND cấp tỉnh là địa phương giáp ranh.
Bên cạnh đó, trước khi cấp phép, UBND cấp tỉnh phải lấy ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về đường thủy nội địa, phòng chống thiên tai, thủy lợi và đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 15 Nghị định này.
Về nội dung Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông, Điều 9 Nghị định quy định, Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông phải có thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày, từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, không được khai thác ban đêm; quy định về thời gian khai thác trong năm.
Trong đó, Nghị định quy định, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được phép khai thác là xác định ranh giới khu vực khai thác; cắm mốc các điểm khép góc khu vực khai thác cát, sỏi lòng sông.
Bên cạnh đó, giấy phép khai thác phải có tên, loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi và yêu cầu về đăng ký theo quy định của pháp luật giao thông đường thủy nội địa, pháp luật liên quan; việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi.
Đồng thời, yêu cầu trong việc ký hợp đồng vận chuyển với các chủ phương tiện đủ điều kiện vận chuyển theo quy định của pháp luật trong trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác không trực tiếp vận chuyển cát, sỏi sau khai thác; Yêu cầu việc lắp đặt bảng thông báo tại bờ sông thuộc phạm vi khu vực khai thác để công khai thông tin Giấy phép khai thác, dự án khai thác cát, sỏi lòng sông với các nội dung: tọa độ, diện tích và sơ đồ phạm vi khu vực khai thác; thời gian khai thác; tên, phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác cát, sỏi. Đối với trường hợp các giấy phép khai thác cát sỏi đã được cấp trước khi Nghị định này có hiệu lực thì phải thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều này.
Khu vực nào cấm khai thác?
Nghị định cũng quy định, việc khoanh định khu vực cấm hoạt động khai thác, khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông được thực hiện theo quy định tại Điều 28 Luật Khoáng sản; các quy định của pháp luật về thủy lợi, đê điều, giao thông thủy nội địa, quy định của pháp luật khác liên quan.
Căn cứ đặc điểm địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông và thực trạng, diễn biến tình hình xói, lở, bờ, bãi sông, các khu vực sau được khoanh định là khu vực cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, bao gồm: a - Khu vực đang bị sạt, lở; b - Khu vực đã bị sạt, lở và có nguy cơ tiếp tục bị sạt, lở; c - Khu vực bờ sông không ổn định, có nguy cơ sạt, lở; d - Khu vực khác có tầm quan trọng trong việc bảo đảm sự ổn định, an toàn của bờ sông.
Đồng thời, cấm khai thác tại các khu vực có công trình quốc phòng an ninh, khu đô thị, khu dân cư, khu vực có công trình đê điều, thủy lợi, giao thông, cấp thoát nước, quan trắc, giám sát và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác mà việc khai thác cát, sỏi lòng sông có thể làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông do UBND cấp tỉnh quyết định.
Còn các khu vực được khoanh định là khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông gồm khu vực liền kề với khu vực quy định tại khoản 2 Điều này mà việc khai thác cát, sỏi trên sông có thể làm gia tăng nguy cơ gây sạt, lở và khu vực khác do UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định để bảo đảm yêu cầu phòng, chống sạt, lở bờ sông.
Theo đó, UBND cấp tỉnh căn cứ các quy định trên tổ chức khoanh định khu vực cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn, lấy ý kiến các cơ quan theo quy định của pháp luật về khoáng sản; ý kiến của Ủy ban lưu vực sông liên quan (nếu có), gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.