Siết kỷ luật để tránh bầu thay

(PLO) - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về một điểm mới quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021 với những cử tri trẻ của Thủ đô lần đầu tiên thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử vào ngày 22/5 tới.
Ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Thưa ông, một trong những vấn đề nổi cộm cần giải quyết triệt để là tình trạng “bầu hộ, bầu thay”. Vậy trong lần bầu cử này, Hội đồng Bầu cử các cấp có giải pháp gì để khắc phục tình trạng “một người đi bỏ phiếu bầu cử thay cho nhiều người” như trước đây? 

- Đây là vấn đề khá hệ trọng và có thể nói là bất hợp pháp. Trên thực tế, có rất nhiều điểm bầu cử, tổ bầu cử thi đua với nhau, nơi nào kết thúc bầu cử sớm sẽ được thành tích xuất sắc. Do đó, tình trạng bỏ phiếu hộ vẫn xảy ra. Để khắc phục tình trạng này, quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi cử tri, bởi quyết định của mỗi cử tri sẽ ảnh hưởng đến vận mệnh đời sống chính trị- kinh tế của cử tri đó. Ngoài ra, lần này kỷ luật về bầu thay ở mỗi điểm bầu cử sẽ được tăng cường, chỉnh đốn và làm chặt chẽ hơn nữa. 

Theo luật, các ứng cử viên sẽ được thực hiện “vận động bầu cử”. Ông có thể giải thích rõ hơn cho các cử tri trẻ hiểu thêm về hoạt động này?

- Đây là một hoạt động của các ứng cử viên. Có nghĩa là những người sau khi trở thành ứng cử viên đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND thì mới có quyền vận động để cử tri bỏ phiếu cho mình. Cụ thể, những ứng cử viên này sẽ phải trình bày những chương trình hành động của mình để thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm, có lợi cho dân, cho nước. 

Việc trình bày có thể thông qua nhiều hình thức khác nhau, như qua truyền hình, trả lời phỏng vấn... Mục đích là tạo điều kiện cho người ứng cử viên gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri để cho cử tri biết những thông tin cơ bản cũng như dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu. 

Trân trọng cảm ơn ông!

Trao đổi bên hành lang Chương trình đối thoại “Cử tri lần đầu đi bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp” vừa diễn ra tại Hà Nội, nhà thơ – nhà báo Trần Đăng Khoa cho rằng “thực trạng giới trẻ hiện nay dường như không mấy quan tâm đến tình hình kinh tế, chính trị của đất nước cũng như các hoạt động của Quốc hội là vấn đề được đặc biệt quan tâm vì “những gì mà thế hệ cha anh đi trước xây dựng đến giờ phút này đều nằm trong tay thế hệ trẻ. Và thực tế, các bạn trẻ cũng rất quan tâm đến tình hình chính trị và kinh tế của đất nước. Đối với những bạn trẻ lần đầu đi bầu cử có thể nói đây là một sự kiện vô cùng thiêng liêng và có ý nghĩa lịch sử.

Khi cầm lá phiếu trên tay, chứng tỏ các bạn đã là một công dân trưởng thành và đang thực hiện các quyền công dân của mình. Và một lần nữa tôi khẳng định “các bạn trẻ rất quan tâm đến Quốc hội”. 

Đọc thêm