Siết nguồn thu nhập - giải pháp ngăn vi phạm trên mạng?

(PLVN) -  TikToker nổi tiếng đang là đối tượng có thu nhập “khủng” nhưng lại “lách” thuế, thậm chí còn “đầu độc” người xem bằng những nội dung “bẩn”, gây sốc.

Thu nhập “khủng” của TikToker đến từ đâu?

Một vài năm gần đây, TikToker được coi là công việc “lý tưởng” đối với nhiều bạn trẻ. Sáng tạo nội dung trên TikTok là một công việc không quá vất vả, nền tảng TikTok đã cung cấp các công cụ, người dùng chỉ cần sáng tạo, yếu tố mới mẻ và có thể “tạo trend”. Nhưng những gì TikTok mang lại cho nhiều người trẻ là quá lớn: Sự nổi tiếng và thu nhập “khủng” so với nhiều công việc khác.

Cách đây ít lâu, Forbes đã công bố danh sách những ngôi sao được trả lương cao nhất TikTok. Danh sách này cho thấy, Addison Rae Easterling đứng đầu danh sách này với khả năng thu nhập 5 triệu USD trong một năm. Người đứng thứ hai là Charli D 'Amelio với 4 triệu USD vào năm 2020.

Tại Việt Nam, nhiều TikToker nổi tiếng cũng được biết đến với thu nhập “khủng” lên đến hàng tỉ, hàng chục tỉ đồng cho một năm. Thông qua tiết lộ của một số TikToker trẻ, dư luận có thể biết được mức độ thu nhập của ngành này khi đã có tiếng tăm. Lê B. là một TikToker nổi tiếng vì chuyên sản xuất các video, trong đó cô ăn mặc như một “game thủ” với ngoại hình bắt mắt, nhún nhẩy trên nền nhạc hoặc các clip hài hước. Trên nền tảng TikTok, hiện Lê B. đã có hơn 7 triệu lượt theo dõi. Năm 2021, cô từng tiết lộ doanh thu của mình xấp xỉ 200 triệu đồng/tháng.

Bảng giá quảng cáo trên kênh TikTok của một Tiktoker.

Tương tự một TikToker khác, sinh năm 1994, chuyên sản xuất những clip hài hước trên TikTok cũng từng chia sẻ mức doanh thu từ 150 - 200 triệu đồng/tháng. Kênh TikTok của bạn trẻ này có gần 4 triệu lượt follow. Một người trẻ khác, Tun P. sở hữu kênh TikTok gần 3 triệu lượt theo dõi, cho biết có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tuần. Tun P. từng khiến nhiều người ngỡ ngàng khi tiết lộ bảng giá quảng cáo lên đến hơn chục triệu đồng cho mỗi post quảng cáo đơn giản trên kênh TikTok của mình.

TikToker đang “nổi đình nổi đám” hiện nay liên quan đến nội dung phản cảm là Nờ Ô Nô thì chưa công bố thu nhập cụ thể, nhưng theo phân tích của nhiều TikToker khác, bạn trẻ này có thể có thu nhập rất lớn, căn cứ vào mức độ đặt hàng quảng cáo “dày đặc” trên kênh Nờ Ô Nô.

Được biết, thu nhập của mỗi TikToker đến từ nhiều nguồn: có thể từ hoa hồng bán hàng trên TikTok shop, từ tiền phần trăm của việc chèn quảng cáo tự động vào clip, nhưng nhiều nhất là từ các nhãn hàng, người kinh doanh đặt hàng sản xuất clip quảng cáo để đăng trên kênh.

Siết nguồn thu để ngăn chặn vi phạm

Sức hấp dẫn của công việc TikToker như trên khiến nhiều bạn trẻ đổ xô vào việc này. Cũng chính vì TikTok luôn cần mới mẻ, độc lạ, tạo trào lưu để thu hút người theo dõi, nên không ít TikToker đã bất chấp đạo đức, thuần phong mỹ tục để tạo ra những nội dung “bẩn”, phản cảm khiến cộng đồng lên án.

Cạnh đó, có một khía cạnh cần đặt ra, đó là vấn đề “lách thuế” của các cá nhân sáng tạo nội dung trên TikTok. Nếu như người lao động, doanh nghiệp đều có nghĩa vụ nộp thuế dựa trên thu nhập của mình, thì thu nhập của TikToker vẫn còn là “cái gì đó” rất mơ hồ. Nguồn thu nhập từ thanh toán của TikTok hoặc các nhãn hàng lớn còn có thể công khai, minh bạch, nhưng với những thu nhập từ việc “book” quảng cáo của các cá nhân là hàng quán ăn uống, shop online..., thanh toán với tư cách cá nhân, thì số tiền này liệu có được kê khai rõ ràng để truy thu thuế?

Tình trạng TikToker sáng tạo nội dung “độc hại” đang bị nhiều người lên án. Việc TikToker Nờ Ô Nô bị cơ quan chức năng xử phạt liên quan đến nội dung vi phạm đã tạo hi vọng với việc siết chặt quản lý lực lượng TikToker nói riêng và những người đang dùng các nền tảng mạng xã hội kiếm tiền nói chung. Ngoài việc bị khóa kênh, xử phạt, Nờ Ô Nô còn bị các nhãn hàng tẩy chay, các nghệ sĩ, TikToker khác quay lưng. Đặc biệt TikToker này đối diện với việc khó trở lại làm nghề, khi vị đại diện bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) nêu rõ: “Với kênh Nờ Ô Nô, Bộ đã công bố là kênh vi phạm, nhãn hàng nào book quảng cáo vào kênh đó thì nhãn hàng đó cũng vi phạm”.

Tại Hội nghị triển khai các giải pháp quản lý quảng cáo trên mạng mới diễn ra vào cuối tháng 11, Bộ Thông tin Truyền thông (TT-TT) cho biết sẽ công bố công khai các nhãn hàng, đại lý quảng cáo, nền tảng phát hành quảng cáo, trang thông tin điện tử vi phạm (bao gồm: website, tài khoản mạng xã hội, kênh nội dung, trang cộng đồng) và khuyến cáo không hợp tác quảng cáo với các đối tượng đó.

Đồng thời Bộ sẽ xây dựng White List (danh sách trắng) để các nhãn hàng, đại lý quảng cáo ưu tiên quảng cáo. Bộ khuyến khích các chủ tài khoản, trang, kênh lớn đăng ký với Bộ TT-TT để tham gia vào White List, khuyến khích các nhãn hàng, đại lý quảng cáo ưu tiên quảng cáo trong White List.

Thời gian tới, Bộ TT-TT sẽ tiếp tục bổ sung, cập nhật website, tài khoản mạng xã hội, kênh nội dung, trang cộng đồng vi phạm, nhảm nhí, ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng, xã hội để yêu cầu không quảng cáo và đưa vào danh sách ngăn chặn.