Thảo luận tại hội trường QH cuối tháng 11 vừa qua, nhiều ĐB cho rằng trong xu thế toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006 là rất cần thiết để tạo hành lang pháp lý, góp phần thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời ngăn chặn được việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường vào nước ta.
Làm rõ quy trình thẩm định công nghệ
Quy định về thẩm định, kiểm tra, giám sát công nghệ trong dự án đầu tư là nội dung được đa số các ĐB quan tâm khi thảo luận chi tiết về Dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). ĐB Nguyễn Thanh Phương (TP Cần Thơ) cho rằng, thời gian qua đã có nhiều công nghệ lạc hậu, công nghệ vận hành không đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong các dự án đầu tư nhưng vẫn được đưa vào Việt Nam.
Theo ĐB Phương, việc này có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các quy định của Luật Chuyển giao khoa học, công nghệ năm 2006 chưa chặt chẽ và đủ mạnh. ĐB Phương cho rằng dự thảo Luật được trình ra lần này đã có một số quy định tiến bộ về thẩm định công nghệ, hạn chế chuyển giao và công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Tuy vậy, Luật chưa quy định rõ quy trình thẩm định như tổ chức hội đồng thẩm định, trách nhiệm của hội đồng thẩm định, thực hiện khảo sát công nghệ, thời gian thực hiện công nghệ. “Tôi cho rằng đây là quy định rất quan trọng cần được bổ sung vào luật để làm cơ sở pháp lý cho hoạt động thẩm định đạt kết quả tốt” - ĐB nêu ý kiến.
ĐB Phương cũng cho rằng việc thẩm định công nghệ đôi khi vẫn mang tính chất lý thuyết, đánh giá dựa vào hồ sơ mô tả công nghệ và người thẩm định công nghệ cũng chưa có điều kiện tiếp cận công nghệ nên chưa có thể đánh giá hết kết quả thực tế của công nghệ. Vì vậy, ĐB đề xuất quy định trong luật về thời gian giám sát vận hành công nghệ, nhất là dự án công nghệ có khả năng gây tác động môi trường.
Tương tự, ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) nhận định việc xác định đúng giá trị, chất lượng công nghệ được chuyển giao phụ thuộc rất lớn vào công tác thẩm định công nghệ. Do đó, cần quy định chặt chẽ về thẩm định công nghệ, quy định rõ ràng thành phần của tổ chức, cá nhân tham gia thẩm định công nghệ; quy định trách nhiệm của hội đồng và từng thành viên Hội đồng và kết quả thẩm định.
ĐB Lê Quang Trí (Tiền Giang) đề nghị bổ sung quy định về tiêu chuẩn của thành viên hội đồng thẩm định vì trong thời gian vừa qua, một số dự án đầu tư đã được thẩm định công nghệ nhưng chất lượng thẩm định không cao, thành viên hội đồng không đánh giá được mức độ hiện đại của công nghệ, dẫn đến nhiều dự án gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân hoặc nhiều dự án hoạt động không hiệu quả gây lãng phí.
Đặc biệt, ĐB Thủy đề nghị quy định trách nhiệm liên đới của hội đồng, giữa các hội đồng thẩm định, cơ quan thẩm định với hậu quả sau này, bao gồm cả việc phải chịu trách nhiệm hình sự do thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tạo danh mục công nghệ không đưa vào Việt Nam
Cũng băn khoăn về quy định thẩm định công nghệ, theo ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa), cần xem xét lại quy định chỉ thẩm định lấy ý kiến về công nghệ trong các dự án đầu tư đối với dự án có ứng dụng công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, dự án có nguy cơ tác dụng xấu đến môi trường được nêu trong Điều 12 của luật sửa đổi vì “nếu không thẩm định làm sao biết được dự án nào có nguy cơ tác động xấu đến môi trường”.
“Trong thực tế hiện nay, để có được chủ trương đầu tư, không ít các nhà đầu tư có hiện tượng thổi phồng công nghệ. Ví dụ, họ cứ nói rằng công nghệ của tôi là của châu Âu, của Mỹ, là công nghệ tiên tiến, công nghệ hiện đại để không phải thẩm định hoặc lấp liếm công nghệ tiềm ẩn các yếu tố gây tổn hại đến môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng gây tác động tiêu cực đến an toàn vệ sinh, kèm theo đó là thiết bị không phù hợp thậm chí còn lạc hậu hoặc thải loại từ nước khác” – ĐB Thông nói. ĐB Lê Quang Trí (Tiền Giang) cũng đề nghị cần quy định thẩm định công nghệ cho tất cả các dự án đầu tư.
Còn ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) muốn Ban soạn nghiên cứu, bổ sung trong dự luật một điều luật quy định về danh mục công nghệ không được đưa vào Việt Nam. “Hiện có những doanh nghiệp nước ngoài thuê đất lâu dài, đầu tư trực tiếp, mang công nghệ cũ vào để tận dụng nhân công giá rẻ của chúng ta nhưng không cần chuyển giao nên sẽ không chịu sự điều chỉnh của luật này. Tôi thiết nghĩ, để ngăn ngừa công nghệ cũ, lạc hậu vào nước ta thì trong dự án luật cần ban hành danh mục công nghệ không được đưa vào Việt Nam” – ĐB nói.
Khuyến khích chuyển giao công nghệ nông nghiệp
Bên cạnh đó, nhiều ĐB cũng đề nghị Nhà nước có chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. ĐB Nguyễn Thanh Phương (TP Cần Thơ) phân tích: nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam, gắn với 60% dân số, nhưng đa phần quy mô sản xuất còn nhỏ, theo hộ gia đình, việc tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật diễn ra rất chậm.
ĐB Lê Quang Trí tỏ ra không hài lòng khi trong mùa khô vừa qua, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Có nơi nước có độ mặn 4-5 phần ngàn làm cho giống lúa truyền thống Việt Nam không thể trổ bông. Trong khi đó các nhà khoa học đã nghiên cứu được giống lúa chịu mặn đến 10 phần ngàn nhưng công tác chuyển giao giống mới còn chậm, khiến cho năng suất, sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp của chúng ta chưa cao.
Từ đó, ĐB Trí đề nghị bổ sung chính sách ưu tiên nghiên cứu chuyển giao các mô hình canh tác nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân. Bên cạnh chính sách hỗ trợ và khuyến khích cơ chế tài chính cho các tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ cho nông dân, ĐB Phương còn đề nghị hỗ trợ cho các tổ chức và cá nhân tiếp nhận khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và khu vực bị tác động của biến đổi khí hậu.
Quan tâm đến đời sống của người dân ở các vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, ĐB Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) còn đề xuất bổ sung cơ chế khuyến khích hoạt động chuyển giao công nghệ ở những địa bàn này để cải tiến công nghệ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, từ đó từng bước nâng cao và cải thiện đời sống của người dân vùng này.