Tàu bè thi công đầy mặt biển
Siêu cảng biển nói trên có 2 hợp phần, trong đó Hợp phần A do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, với các các hạng mục chính như tôn tạo, xử lý nền đất yếu, kè bảo vệ, tường chắn đất, bến công vụ, đê chắn sóng, đê chắn cát, nạo vét luồng và vũng quay tàu. Vốn thực hiện dự án là nguồn vay từ ODA Nhật Bản và một phần đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Theo PMU Hàng hải, riêng Hợp phần A giá trị đã lên tới 18.624 tỷ đồng, với 4 gói thầu xây lắp chính, do nhiều nhà thầu Nhật chủ trì thi công. “Hiện, Gói thầu số 6 (thi công đê chắn sóng đoạn A, kè bảo vệ, tôn tạo bãi, xử lý nền đất yếu và hạ tầng điện nước) do Liên danh Penta -Toa thực hiện tiến độ đạt 94% khối lượng. Đặc biêt, có hai gói thầu vượt tiến độ từ 7 - 30 ngày. Riêng Gói thầu số 10 - phần thi công đổ đá và lắp đặt khối bê tông đúc sẵn thuộc hạng mục đê chắn cát, tiến độ của nhà thầu chưa đạt so với kế hoạch...”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình (Bộ GTVT) Lã Hồng Hạnh nói.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình Lã Hồng Hạnh: “Nhiều gói thầu của Hợp phần A đang đảm bảo tiến độ” |
Trao đổi với PLVN về dự án, ông Trần Anh - Tổng Giám đốc PMU Hàng hải cho hay, hạng mục nạo vét luồng và vũng quay tàu, sau khi khởi công, nhà thầu đã huy động trên công trường 10 tàu ngoạm nước ngoài và trong nước cùng với 30 sà lan đổ thải. Ngoài ra, để bắt kịp tiến độ, bên thi công còn huy động tới vùng biển này 1 tàu hút bụng trong nước, 1 tàu hút bụng nước ngoài để nạo vét vũng quay tàu và nửa luồng phía Đông.
“Dự kiến, khoảng tháng 4 này, nhà thầu Toyo Construction Co.,Ltd. sẽ còn tiếp tục huy động thêm 1 tàu hút bụng trong nước và 2 tháng sau đó sẽ huy động thêm 1 tàu hút bụng nước ngoài với công suất 11.000÷13.000 m3 để nạo vét. Trên mặt biển sắp tới sẽ nhộn nhịp tàu bè và máy móc sẽ thi công liên tục...”, lời Tổng Giám đốc PMU Hàng hải.
Tổng Giám đốc PMU Hàng hải: “Dự kiến, phần vốn nước ngoài còn thiếu cho các tháng còn lại của 2017 là trên 2.000 tỷ đồng” |
Được biết, Hợp phần B của siêu cảng này do Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn liên danh với Công ty Molnykit., Ltd Nhật Bản đầu tư với số vốn hơn 300 triệu USD, đã khởi công xây dựng từ tháng 5/2016, quy mô 2 bến cảng container tổng chiều dài 750m và các hạng mục công trình đường bãi, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị đồng bộ để tiếp nhận tàu container, tàu tổng hợp có trọng tải đến 50.000 DWT đủ tải và tàu 100.000 DWT giảm tải.
“Đây là hạng mục được đầu tư trực tiếp của nhà đầu tư nên vấn đề kiểm soát khối lượng và nghiệm thu do Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước thực hiện. Theo báo cáo của PMU Hàng hải, thì đơn vị này đã phối hợp chắt chẽ với Công ty TNHH Cảng container Quốc tế Hải Phòng (chủ đầu tư Hợp phần B) trong công tác bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện để nhà thầu thuộc Hợp phần B triển khai thi công đảm bảo tiến độ và tiến hành bàn giao từng phần các hạng mục theo đúng tiến độ đã thỏa thuận”, Phó Cục trưởng Hạnh cho biết thêm.
“Giật gấu vá vai”...
Như đã nêu, đến thời điểm này, 2/4 gói thầu - gồm gói nạo vét luồng và vũng quay tàu từ lý trình 34+000 đến lý trình 44+350 và gói nạo vét luồng và vũng quay tàu từ lý trình 26+930 đến lý trình 34+000 đều đang vượt tiến độ. Trong đó, Liên danh Penta - Rinkai sau khi khởi công vào giữa năm ngoái, đã huy động tới công trường 1 đội tàu nạo vét xén thổi nước ngoài (SUEZ 3 với công suất 8.800 PS) cùng 3 tàu đẩy và 3 sà lan mở đáy 8.000 m3. Bên cạnh đó, nhà thầu này còn sử dụng thêm 3 gầu ngoạm và 7 sà lan trong nước để đẩy nhanh tiến độ theo yêu cầu của đại diện chủ đầu tư...
Tuy nhiên, theo tin từ PMU Hàng hải, đến thời điểm hiện tại, công tác bố trí và giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản tại dự án này trong năm nay đang hết sức khó khăn. Theo đó, tổng nhu cầu vốn nước ngoài là khoảng trên 4.000 tỷ đồng; đến nay, dự án mới được bố trí 3.350 tỷ phần vốn nước ngoài và 180 tỷ phần vốn đối ứng.
“PMU Hàng hải sau đó đã phải trích từ khoản trên trả nợ cho các nhà thầu phần khối lượng thực hiện trong năm 2016 chưa được thanh toán khoảng 1.000 tỷ đồng. Như vậy, với 2.350 tỷ còn lại, theo dự kiến giải ngân cho các nhà thầu trình nộp thì phần vốn nước ngoài còn lại sẽ được giải ngân hết vào tháng 6/2017. Ngoài ra, phần vốn đối ứng được giao năm 2017 dự kiến cũng giải ngân hết vào tháng 5/2017 để trả thuế VAT cho các nhà thầu”, đại diện PMU Hàng hải dẫn chứng.
Cũng theo tính toán của đại diện chủ đầu tư, ước phần vốn nước ngoài còn thiếu cho các tháng còn lại trong năm 2017 là hơn 2.000 tỷ đồng.
Dù vậy, nhưng trên công trường, đến thời điểm này nhiều nhà thầu ngoại vẫn dồn lực thi công để công trình cán đích vào năm 2018, nhưng rõ ràng chuyện hụt vốn, thiếu vốn đang đẩy PMU Hàng hải vào cảnh “giật gấu vá vai” khi thanh toán khối lượng xây lắp cho nhà thầu. Điều này cũng khiến đại diện chủ đầu tư trong bất kỳ văn bản nào báo cáo Bộ GTVT về dự án trên, cũng không quên “chốt hạ” một câu cuối trong văn bản: “cần bổ sung vốn để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ dự án”.
Trạm trung chuyển hàng hóa quốc tế
Dự án cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện khi hoàn thành sẽ trở thành trung tâm cùng với hệ thống cảng biển Hải Phòng, cảng sông trong nội địa sẽ đóng vai trò vệ tinh hình thành hệ thống logistic năng động, hiệu quả. Đặc biệt, siêu cảng Lạch Huyện sẽ trở thành trạm trung chuyển hàng hóa quốc tế, đưa hàng hóa xuất, nhập khẩu của khu vực miền Bắc đi thẳng tới thị trường Châu Âu, Châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua các cảng tại khu vực như Singapore, Hongkong (Trung Quốc)…