Siêu thị Sakura Việt Nam: Bán Thực phẩm Chức năng không được phép lưu hành?

(PLO) - Không chỉ bị lực lượng quản lý thị trường xử phạt, Công ty TNHH quốc tế Sakura Việt Nam (sở hữu hệ thống Sakura Việt Nam - Hàng Nhật nội địa) còn ngang nhiên bày bán những sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) không được cấp phép quảng cáo và lưu hành. Điều kỳ lạ là, vì sao những sai phạm to như “con voi” nhưng vẫn qua mặt được các lực lượng chức năng.
TPCN ở siêu thị Sakura không rõ nguồn gốc xuất xứ
TPCN ở siêu thị Sakura không rõ nguồn gốc xuất xứ

Hàng ngoại - không được phép lưu hành?

Như Báo Câu chuyện pháp luật đã phản ánh trong các bài viết trước, lực lượng quản lý thị trường TP.Hà Nội khẳng định đã xử phạt vi phạm tại nhiều cơ sở của hệ thống siêu thị Sakura Việt Nam - Hàng Nhật nội địa (sau đây gọi siêu thị Sakura). 

Thế nhưng, dường như lực lượng quản lý thị trường vẫn còn “nương tay” nên siêu thị Sakura mới ngang nhiên vi phạm có hệ thống. Hơn nữa, con số 15 triệu đồng tiền xử phạt (vi phạm tại 4 trong tổng số 9 cơ sở) có vẻ như không thấm tháp vào đâu, nên Công ty TNHH quốc tế Sakura Việt Nam vẫn bất chấp quy định pháp luật và tái phạm. Và không chỉ có 4 cơ sở bị lực lượng chức năng xử phạt, mà nhiều cơ sở khác của siêu thị Sakura cũng diễn ra tình trạng vi phạm tương tự. 

Ngoài ra, hệ thống siêu thị Sakura Việt Nam cũng đang bày bán rất nhiều sản phẩm TPCN với mức giá trên trời. Có thể kể đến một số mặt hàng đang được bày bán với mức giá “cắt cổ” như: dòng Thực phẩm chăm sóc sức khỏe – DHC viên uống với 20 loại khác nhau giá 200.000 – 1 triệu đồng/gói; Dr. Senobiru  - thực phẩm bổ sung axit amin hỗ trợ tăng cường trẻ nhỏ (60 gói) giá 5,9 triệu đồng/hộp; Dr. Select – Tinh chất nhau thai 30000 Placenta Drink 30 gói giá 2,3 triệu đồng/hộp; Tảo vàng SPIRULINA loại 2200 viên,...

Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì nhiều sản phẩm TPCN (ghi đơn vị nhập khẩu và phân phối Công ty TNHH quốc tế Sakura Việt Nam) đang được bày bán tại siêu thị Sakura chưa được cơ quan chức năng cấp phép trước khi đưa ra lưu thông ngoài thị trường. 

Cụ thể, khi PV tra cứu trên cổng thông tin điện tử của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế (Website: http://congbosanpham.vfa.gov.vn) về việc Cấp giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy và giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (ATTP), thì hoàn toàn không có dữ liệu về Công ty TNHH quốc tế Sakura Việt Nam và bất kỳ sản phẩm TPCN nào hiện công ty này đang bán tại hệ thống siêu thị Sakura. 

PV chọn tên một sản phẩm TPCN (ghi trên tem nhãn phụ tiếng Việt: Đơn vị nhập khẩu và phân phối Công ty TNHH quốc tế Sakura Việt Nam) mà siêu thị Sakura đang bán là Tảo vàng SPIRULINA loại 2200 viên, thì trong số 20 công ty nhập khẩu (được Cục ATTP cấp bản công bố phù hợp quy định ATTP) dòng TPCN SPIRULINA không hề có tên Công ty TNHH quốc tế Sakura Việt Nam.

Một sản phẩm TPCN chưa được cấp phép lưu hành bán tại siêu thị Sakura
Một sản phẩm TPCN chưa được cấp phép lưu hành bán tại siêu thị Sakura

Trong khi đó Pháp luật Việt Nam quy định rất rõ, để nhập khẩu TPCN thì đơn vị nhập khẩu cần thực hiện  thủ tục công bố TPCN trước khi nhập khẩu, để sản phẩm đó có thể được phép lưu thông trên thị trường. 

Cụ thể, Khoản 1, Điều 14, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP thì: “Tất cả các loại thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm khi nhập khẩu vào Việt Nam phải kiểm tra tại cơ quan kiểm tra nhà nước có thẩm quyền do các Bộ quản lý ngành chỉ định...”. Như vậy, đối với mặt hàng TPCN nhập khẩu vào Việt Nam phải thực hiện kiểm tra VSATTP.

Ngoài ra, căn cứ Điều 3 Thông tư 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế quy định: “1. TPCN nhập khẩu và sản xuất trong nước đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy tại Bộ Y tế (Cục ATTP) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

2. TPCN nhập khẩu và sản xuất trong nước chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định ATTP và đăng ký bản công bố phù hợp quy định ATTP tại Bộ Y tế (Cục ATTP) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường”.

Quy định rõ ràng là vậy, thế nhưng không hiểu sao Công ty TNHH quốc tế Sakura Việt Nam vẫn “bỏ quên” những điều kiện, thủ tục bắt buộc trên và công khai bày bán các sản phẩm TPCN khi không được cấp phép lưu hành. Điều kỳ lạ là, vì sao những sai phạm to như “con voi” nhưng vẫn qua mặt được các lực lượng chức năng. 

“Phớt lờ” quy định về cấp phép quảng cáo?

Không chỉ “phớt lờ” quy định về việc thực hiện kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và công bố sản phẩm TPCN trước khi lưu thông trên thị trường, mà Công ty TNHH quốc tế Sakura Việt Nam còn bất chấp quy định của pháp luật, quảng cáo rầm rộ những sản phẩm đó trên website của công ty (Sakuravietnam.com.vn) khi chưa được cấp phép.

Theo đó, tra cứu trên website: http://xacnhanquangcao.vfa.gov.vn, về việc cấp giấy xác nhận quảng cáo sản phẩm thực phẩm, thì hoàn toàn không có tên Công ty TNHH quốc tế Sakura Việt Nam. Thế nhưng, trên website của công ty này là: Sakuravietnam.com.vn lại đang quảng cáo rầm rộ hàng trăm mặt hàng thực phẩm (riêng TPCN là 75 mặt hàng).

Theo quy định tại Thông tư số 09/2015/TT-BYT (ngày 25 tháng 05 năm 2015) của Bộ Y tế, về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế, thì tất cả quảng cáo TPCN, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng đều phải được thẩm định nội dung. Trong đó, quảng cáo TPCN cũng bắt buộc có thêm chi tiết “sản phẩm không thay thế được thuốc chữa bệnh” và không được chỉ định để điều trị bệnh cụ thể. 

Bên cạnh đó, tại Điều 7 Thông tư 09 cũng nêu rõ Điều kiện xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm đó là: “1. Sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm đã có giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP (đối với sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia) hoặc giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp”.

TPCN chưa được cấp phép lưu hành nhưng được bán và quảng cáo trên website
TPCN chưa được cấp phép lưu hành nhưng được bán và quảng cáo trên website 

Nếu chiếu theo quy định này, như đã phân tích ở trên thì khi tra cứu trên cổng thông tin điện tử của Cục ATTP - Bộ Y tế, về việc Cấp giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy và giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, thì hoàn toàn không có dữ liệu về Công ty TNHH quốc tế Sakura Việt Nam và bất kỳ sản phẩm TPCN nào hiện công ty này đang bán tại hệ thống siêu thị Sakura. 

Nếu như vậy, đương nhiên các sản phẩm thực phẩm (bao gồm cả TPCN) của siêu thị Sakura đang rao bán rầm rộ trên website: Sakuravietnam.com.vn đều chưa được cấp phép quảng cáo. Và khi đó, người tiêu dùng có quyền đặt ra câu hỏi: nguồn gốc xuất xứ những sản phẩm TPCN đó có thể là hàng trôi nổi, hàng lậu, trốn thuế hay không?

Về vấn đề nguồn gốc xuất xứ của các hàng hóa đang được bày bán tại siêu thị Sakura và trách nhiệm của những người cầm “cán cân công lý” đã được thể hiện thế nào, Báo Câu chuyện pháp luật sẽ tiếp tục phản ánh.

Điều 153 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009), về hình phạt với tội buôn lậu:

Với mức hình phạt cơ bản bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Nếu phạm tội Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Vật phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; Hàng cấm có số lượng rất lớn; Thu lợi bất chính lớn; Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Phạm tội nhiều lần; Gây hậu quả nghiêm trọng bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm. 

Nếu Vật phạm pháp có giá trị từ một tỷ đồng trở lên; Thu lợi bất chính đặc biệt  lớn; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Đọc thêm