Vấn đề được đề cập tại Hội thảo “Mô hình quản lý vốn NN tại DN trong tiến trình tái cơ cấu DNNN ở Việt Nam” do Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức hôm qua, 27/4.
Mô hình quản lý hành chính hay DN đầu tư?
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính, GS.TS Nguyễn Công Nghiệp, Trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, việc làm thế nào quản lý vốn NN tại DN hiệu quả, tách bạch được chức năng quản lý NN và chức năng đại diện chủ sở hữu luôn là điều trăn trở của Đảng và NN nhiều năm qua. Chính đó là động lực để Chính phủ tìm tòi thử nghiệm nhiều mô hình khác nhau về quản lý vốn NN tại DN trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm các nước và đòi hỏi của thực tiễn đặt ra.
“Thực tiễn cho thấy, có 2 mô hình quản lý vốn NN tại DN là cơ quan NN quản lý và DN, quỹ đầu tư quản lý. Ở Việt Nam, 2 mô hình này đã tồn tại, đó là vào thời điểm năm 1995 chúng ta đã thành lập Tổng cục Quản lý vốn và Tài sản NN tại DN, sau 4 năm hoạt động, đến năm 1999, Tổng cục này đã giải thể, thành lập Cục Tài chính DN. Quản lý vốn NN tại DN lại quay về “nhà” cũ, tức là về cơ quan chủ quản. Đến năm 2005, Chính phủ thành lập một DN quản lý vốn NN tại DN. Mô hình này hiện đang tồn tại, đó là SCIC...” - GS.TS Nguyễn Công Nghiệp nhớ lại.
Thừa nhận mô hình quản lý vốn NN tại SCIC còn có nhiều nhược điểm, song ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài chính DN khẳng định đây là mô hình phù hợp với thông lệ thị trường và được nhiều nước áp dụng. Mô hình này đã đảm bảo được yêu cầu tách chức năng quản lý NN với chức năng chủ sở hữu; phân định rõ quyền quản trị công ty với quyền chủ sở hữu (cổ đông). Cty này không phải là cơ quan hành chính, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của các DN mà thông qua hệ thống quản trị DN hiện đại của Công ty đầu tư và kinh doanh vốn NN và của các DN để đảm bảo hiệu quả bảo toàn, gia tăng giá trị vốn đầu tư.
Đại diện SCIC, ông Nguyễn Hồng Hiền khẳng định: “SCIC là người đầu tiên đổi mới việc quản lý vốn NN tại DN! SCIC là tổ chức kinh tế đặc thù, thay vì quản lý hành chính, NN là cổ đông tại DN, thông qua quyền cổ đông NN tại DN…”.
“Nâng cấp” SCIC…
Báo cáo của SCIC cho biết, tiếng là “siêu” TCty nhưng sau 1 năm hoạt động, tính đến hết tháng 12/2016, SCIC mới tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn NN tại hơn 1.000 DN với tổng giá trị vốn NN hơn 9.900 tỷ đồng.
“Số vốn này mới bằng khoảng gần 1% tổng số vốn NN tại DN. Phần lớn vốn NN tại DN (trên 99%) do các bộ, địa phương quản lý nên đã hạn chế quy mô hoạt động đầu tư kinh doanh vốn của SCIC và sự tham gia của SCIC trong sắp xếp, tái cơ cấu DNNN và thực hiện mục tiêu đổi mới phương thức quản lý, đầu tư, kinh doanh vốn NN tại DN…” - Phó Tổng Giám đốc SCIC Nguyễn Hồng Hiển phát biểu.
Ngoài ra, “siêu” TCty này cũng đang gặp không ít khó khăn về cơ chế, chính sách, như quá trình triển khai các hoạt động đầu tư kinh doanh kéo dài do quy định về trình tự, thủ tục đầu tư phức tạp, có nhiều vướng mắc dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp, bỏ lỡ cơ hội khi thị trường có diễn biến thuận lợi. Trong khi đó, SCIC chưa có cơ chế đặc thù để triển khai các hoạt động đầu tư kinh doanh vốn nên vẫn phải áp dụng cơ chế chung.
Cùng với đó, việc thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu vốn NN thông qua ủy quyền người đại diện còn hạn chế do địa vị pháp lý, trách nhiệm, quyền lợi của người đại diện còn bất cập; chế độ lương, thưởng, thù lao đối với người đại diện còn chưa có hướng dẫn cụ thể…
Đặc biệt, quyền chủ động trong triển khai hoạt động kinh doanh còn hạn chế. Cụ thể, theo cơ chế hiện hành đối với DNNN; các tập đoàn, TCty trong đó có SCIC chưa thực sự có quyền chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh, làm giảm năng lực cạnh tranh của DNNN so với khu vực khác. Biên chế, tiền lương hàng năm của các tập đoàn, TCty phải có sự chấp thuận của Bộ quản lý ngành chấp thuận, hạn chế sự linh hoạt trong hoạt động sản xuất kinh doanh…
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Văn Nhã đã nêu ra 3 phương án về mô hình quản lý vốn NN: Giữ nguyên hiện trạng; thành lập cơ quan chuyên trách - Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản NN tại DN và mô hình cơ quan chuyên trách là DN. Theo ông, nên chọn phương án 3, vì tác động tiêu cực thấp hơn và tác động tích cực cao hơn phương án 1 và phương án 2.
Nguyên Phó Tổng cục trưởng thường trực Tổng cục Quản lý vốn và tài sản NN tại DN, nguyên Cục trưởng Cục Tài chính DN – Bộ Tài chính, ông Phạm Đình Soạn cho rằng, phương án thành lập Ủy ban mới cần phải được tham khảo kỹ ý kiến DN. “Cái mà DN muốn là sự thay đổi bên trong, thay đổi về chất” - ông Sơn lưu ý. Ông đề xuất, phương án nâng cấp SCIC theo mô hình DN sẽ là khả thi nhất, vì mô hình này không tạo ra sự xáo trộn nào.
“Mỗi mô hình đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc lựa chọn mô hình quản lý vốn NN tại DN nào cũng cần phải phù hợp với thực tiễn quản lý của Việt Nam. Mô hình mới phải đáp ứng được yêu cầu quản lý vốn NN chặt chẽ, tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao được hiệu quả, hiệu lực quản lý...”, GS.TS Nguyễn Công Nghiệp lưu ý.
Nâng cấp SCIC như thế nào?
Theo đề xuất của ông Phạm Đình Soạn, việc nâng cấp SCIC theo mô hình DN quản lý vốn NN cần lộ trình thực hiện theo hai bước:
Bước 1: củng cố và phát triển SCIC hiện có. Chuyển dần các tổng công ty, tập đoàn 100% vốn NN sang hoạt động theo mô hình chung của SCIC. Có thể sáp nhập một số tổng công ty, tập đoàn nhỏ lẻ. Cho phép một số địa phương lớn như TP HCM, Hà Nội được thành lập các SCIC riêng... Thời gian để thực hiện bước 1 không quá 2 năm;
Bước 2, trên cơ sở đã tạo lập được những tiền đề để tiếp tục xây dựng mô hình mới, trong đó có việc xác lập được tổng số và quy mô DNNN còn lại sau cổ phần hóa, chúng ta thực hiện việc sáp nhập một số SCIC lại, có thể chỉ để tồn tại một vài SCIC (thậm chí là 1 nếu có thể) và lựa chọn 1 trong 3 phương án trực thuộc: Trực thuộc Chính phủ; Trực thuộc Bộ Tài chính như hiện nay; Đa dạng hóa trực thuộc (Chính phủ, Bộ Tài chính, các bộ, ngành và địa phương)...