Sinh viên khởi nghiệp thời “công dân số”

(PLVN) -Phong trào khởi nghiệp lan tỏa rộng khắp từ thành thị đến biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tinh thần doanh nhân, khát vọng khởi nghiệp bắt đầu khởi sắc ở hầu hết các tầng lớp, thế hệ người dân, nhất là trong giới trẻ, học sinh, sinh viên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan các mô hình, gian hàng khởi nghiệp. (Ảnh: Bộ GD&ĐT).
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan các mô hình, gian hàng khởi nghiệp. (Ảnh: Bộ GD&ĐT).

Khởi nghiệp từ bản sắc cá nhân

Nguyễn Thiện Khiêm được giới trẻ biết đến nhiều với biệt danh “hot boy” IELTS bởi vừa giỏi ngoại ngữ, vừa điển trai, sở hữu kênh TikTok với 300 nghìn lượt theo dõi và 4,8 triệu lượt yêu thích. Với vai trò như MC đài truyền hình, người sáng tạo nội dung số đa nền tảng, tác giả, dịch giả sách, Khiêm nhận thức được những giá trị kiến thức mà bản thân đang chia sẻ.

“Mình tạo nên dấu ấn cá nhân bằng cách chia sẻ về những gì gần gũi, gắn liền với cuộc sống sinh viên của mình nhất, đó là hành trình học hỏi, kết nối và phát triển bản thân. Thế nên, mình không ngại chia sẻ về những gì mang tính cá nhân cao, như những thất bại trong học tập, điểm sáng trong công việc hay cả giây phút yếu đuối, nghi ngờ bản thân…”, Khiêm chia sẻ.

Nói về bản sắc cá nhân, Khiêm tự miêu tả bằng 3 tính từ: vui tính, lạc quan và ham học hỏi. Khiêm thể hiện những nét tính cách đó thông qua các bài viết, video trên mạng xã hội, nội dung về học tập, tình yêu bản thân, gia đình, bạn bè, du lịch… Là một người sáng tạo nội dung số, Khiêm cũng đã quen dần với những ý kiến trái chiều gặp phải ở trên mạng.

Theo Khiêm, sinh viên (SV) là hàng ngũ trí thức tiên phong, đại diện cho tương lai của đất nước với sức trẻ, trí tuệ, sự thành thạo về công nghệ cùng khả năng học hỏi, tiếp nhận và chia sẻ thông tin lớn. Vì vậy, để nâng cao hình ảnh của SV trên mạng xã hội, Khiêm cho rằng, mỗi bạn SV đều có thể bắt đầu từ việc biết chọn lọc nguồn thông tin để theo dõi, thảo luận. Sau đó chia sẻ, lan toả những kiến thức, nội dung lành mạnh, có giá trị cho cộng đồng.

Để giữ được bản sắc cá nhân trước lượng thông tin khổng lồ giao thoa giữa nhiều nền văn hóa trên các nền tảng mạng xã hội, Khiêm cho rằng, các bạn SV cần phải hiểu mình, biết bản thân cần và nên tiếp cận những thông tin, kiến thức như thế nào. Đặc biệt, SV phải hiểu và biết tôn trọng những giá trị đạo đức, lịch sử văn hoá gắn liền với căn tính của một công dân Việt Nam.

Cùng với đó, Khiêm mong có sự kết hợp với các chuyên gia về an ninh mạng và chuyên gia về tâm lý để xây dựng chương trình giáo dục trực tuyến về an toàn mạng và bảo vệ bản thân trên không gian mạng cho các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh, SV. Cùng đó, kết hợp với các KOL, KOC nổi tiếng để triển khai các nội dung/cuộc thi khuyến khích người xem sử dụng và ủng hộ các nội dung tích cực trên không gian mạng. Theo Khiêm, Hội, Đoàn cần có nhiều hơn các chương trình trải nghiệm quốc tế hoặc các khoá học ngắn hạn tại các trường đối tác. Tổ chức các sự kiện văn hóa đa dạng, diễn đàn thảo luận để khích lệ sự hiểu biết và tôn trọng giữa các SV từ các quốc gia khác nhau…

Nguyễn Thiện Khiêm mong muốn tổ chức Hội có thêm chương trình phát triển SV làm sáng tạo nội dung đa nền tảng. Bởi điều này sẽ mở ra cơ hội nghề nghiệp mới mẻ và kích thích khả năng sáng tạo, tư duy phản biện, sự linh hoạt và khả năng thích nghi với môi trường làm việc đa dạng. Mặt khác, SV sẽ có lợi thế lớn trong việc giao tiếp hiệu quả, truyền đạt ý tưởng và tạo bản sắc cá nhân. Vũ Thị Ngọc, SN 2002, SV năm 4 chuyên ngành Kiểm toán, Chủ tịch Hội SV Học viện Tài chính đưa ra nhiều giải pháp nâng cao năng lực số cho SV để trở thành những “công dân số”, đóng góp tích cực vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Ngọc cho rằng, để mỗi SV thực sự “chuyển mình” trở thành những “công dân số” không chỉ là người thụ hưởng thành quả chuyển đổi số mà phải là người làm chủ, sáng tạo các sản phẩm số trong môi trường số, trước hết, SV cần phải hiểu được thế nào là “Năng lực số”.

“Năng lực số rất cần thiết cho sự phát triển của mỗi người, chính vì thế nâng cao năng lực số của mỗi cá nhân là biểu hiện rõ ràng cho sự trách nhiệm đối với chính bản thân mình”, Ngọc nói.

Mỗi SV cần nắm vững những kiến thức chuyên môn về năng lực số, công nghệ số được học tập và nghiên cứu tại trường học. Quan trọng hơn nữa, SVcần tìm hiểu thêm các kiến thức về Luật An ninh mạng và bảo vệ mình trước những thông tin xấu, độc”, Vũ Thị Ngọc chia sẻ.

Hơn 7% sinh viên khởi nghiệp sau 5 năm

Theo Bộ GD&ĐT, sau 5 năm triển khai, kết quả Đề án “Hỗ trợ học sinh, SV khởi nghiệp đến năm 2025” đã góp phần trong việc hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

Cụ thể, tỷ lệ cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 30% (năm 2020) lên 48% (năm 2022); 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho SV thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp; 100% các cơ sở đào tạo xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho SV. Có 45 cơ sở đào tạo (chiếm 25%) đã thành lập được các trung tâm hỗ trợ SV khởi nghiệp. Trong đó, 10 trung tâm đã và đang thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của SV.

Bộ GD&ĐT hỗ trợ 10 địa phương tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục phổ thông. Cùng đó, Bộ hỗ trợ 23 cơ sở giáo dục đại học tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Bộ cũng đã ký kết với 8 doanh nghiệp đồng hành cùng trong việc huy động nguồn lực triển khai Đề án 1665 giai đoạn 2 (năm 2022 - 2025).

Hàng năm, Bộ GD&ĐT tổ chức các Ngày hội khởi nghiệp quốc gia cho học sinh, SV nhằm tạo sự kết nối giữa 3 chủ thể: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của các em.

Song song với Ngày hội khởi nghiệp, Cuộc thi học sinh, SV với ý tưởng khởi nghiệp cũng nhận được sự quan tâm của học sinh, SV.

Trải qua 5 năm tổ chức, từ hàng nghìn dự án của các học sinh, SV đến từ các địa phương, trường đại học, cao đẳng, ban tổ chức cấp trung ương đã nhận được tổng 1.670 dự án đến từ các cơ sở đào tạo và 900 dự án đến từ các trường THPT, THCS. 70% các dự án đã có sản phẩm và 30% các dự án là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử.

Tỷ lệ SV tham gia khởi nghiệp bằng cách thành lập doanh nghiệp sau 5 năm được duy trì ở mức cao trên 7%/năm.

Hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo mang lại nhiều cơ hội cho học sinh, SV, tuy nhiên, Bộ GD&ĐT nhìn nhận vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác triển khai. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho hay, Bộ GD&ĐT đang chuẩn bị hoàn thiện ban hành Bộ tiêu chí đánh giá cơ sở giáo dục đại học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

“Từ những ngày đầu, khi khởi nghiệp vẫn được coi là phong trào, đến hiện nay khởi nghiệp sáng tạo đã được các nhà trường đưa nội dung, nhiệm vụ thành sứ mệnh, tầm nhìn hoặc có được cụ thể trong chiến lược phát triển của hầu hết các cơ sở giáo dục”, bà Minh nói.

90% học sinh, SV của các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, trường THPT và các trung tâm GDNN - GDTX được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thực, được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp. Tỉ lệ SV khởi nghiệp sau 5 năm hiện nay là hơn 7%.

Từ thực tế, Tôn Thất Lê Hoàng Thiện - Phó Chủ tịch Hội SV Trường Đại học Huế bày tỏ: “Để khởi nghiệp, điều kiện tiên quyết cần có vốn. Vốn ở đây bao gồm tài chính, giáo dục, mối quan hệ và uy tín. Trong đó, nguồn vốn giáo dục cực kỳ quan trọng. Với chất lượng của Đại học Huế cùng môi trường đa ngành, đa lĩnh vực, các bạn SV sau khoảng thời gian học tại trường có thể tích lũy được nguồn vốn giáo dục đủ lớn để có thể bước ra xã hội, bắt đầu hành trình của một doanh nhân khởi nghiệp. Đó là một thế mạnh của SV Đại học Huế”.

Ngoài ra, một ưu điểm nữa chính là đức tính chịu khó, muốn vươn lên của SV. Đây cũng là một yếu tố thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của SV.

Cũng theo Tôn Thất Lê Hoàng Thiện, ngày nay SV bắt đầu hướng tới nguyên lý cơ bản của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là đi giải quyết các vấn đề của xã hội đang gặp phải. Chính vì thế, tính khả thi của ý tưởng rất tốt.

“Để thúc đẩy hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp của học sinh, SV trong thời gian tới cần phải có những giải pháp mang tính tổng thể. Trong đó, trường học phải vừa là nơi trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng, sự trải nghiệm cũng như truyền cảm hứng để học sinh, SV sẵn sàng khởi nghiệp và trường đại học là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp một cách bền vững”, Tôn Thất Lê Hoàng Thiện nhấn mạnh.

Trong Tháng Thanh niên 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với thanh niên cả nước, với chủ đề: “Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0”. Chương trình được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới các điểm cầu tại UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và cơ quan T.Ư Đoàn.

Tại buổi đối thoại, Thủ tướng nhắn nhủ 6 điều thanh niên cần có, gồm: Có mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Có khát vọng sống vươn lên; Có bản lĩnh vững vàng trong mọi hoàn cảnh; Sáng tạo mạnh mẽ; Có trách nhiệm với chính mình, với gia đình, xã hội; Cống hiến hết mình vì đất nước hùng cường, thịnh vượng, vì nhân dân ấm no.

Thủ tướng mong muốn thanh niên phát huy hơn nữa tinh thần “5 tiên phong”, gồm: Tiên phong trong học tập, rèn luyện, nâng cao kiến thức, bản lĩnh, ý chí trong cuộc sống và công việc; Tiên phong trong lao động, sản xuất, kinh doanh, đổi mới sáng tạo trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Tiên phong trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước nói chung và chủ quyền biển đảo nói riêng trong mọi hoàn cảnh; Tiên phong trong hội nhập quốc tế để bạn bè quốc tế thấy thanh niên Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào về ý chí, trí tuệ, phẩm chất, tình cảm, sự chân thành; Tiên phong trong phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, đấu tranh chống các thế lực thù địch, các tổ chức phản động, các thông tin xấu, độc.

Đọc thêm