Sinh viên ký túc bị bịt đường thoát nạn

(PLO) - Theo Sở Xây dựng Hà Nội, dự án Ký túc xá (KTX) Mỹ Đình II thuộc quận Nam Từ Liêm. Dự án với 3 cụm công trình cao 21 tầng (không kể tầng hầm và tầng kỹ thuật) gồm có 5 đơn nguyên đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2015, đáp ứng chỗ ở cho 7.368 sinh viên. 
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Tổng mức đầu tư của dự án là 979 tỷ đồng, được lấy từ nguồn trái phiếu Chính phủ và nguồn đầu tư trang thiết bị lấy từ ngân sách thành phố. Sau một năm đưa vào hoạt động, KTX Mỹ Đình đã nhiều lần được đưa lên các mặt báo vì những sai phạm trong khâu quản lý và cho các chủ kinh doanh thuê mặt bằng. 

Nhưng gần đây, không hiểu vì lý do gì mà ban quản lý KTX đã cho đóng tất cả các cổng dẫn ra các đường phố như: đường Nguyễn Cơ Thạnh mặt chính của đơn nguyên 3, đơn nguyên 4, đường Hàm Nghi mặt chính của đơn nguyên 1-2 thuộc quản lý của Đại học Quốc gia, đường Hoài Thanh mặt chính của đơn nguyên 5. Tất cả các cổng chính, cổng phụ dẫn ra các con phố,trục đường lớn, giao thông phương tiện đi lại thuận tiện, đều khóa chặt thay vì có bảo vệ kiểm soát đã gây nhiều bất lợi cho sinh viên đi lại. 

Trao đổi với phóng viên, ông Trương Mỹ Yên - Tổ trưởng Tổ bảo vệ khu KTX Mỹ Đình cho biết, 6 cổng phụ  của cụm 5 tòa nhà trong khu ký túc trước đây vẫn được mở phục vụ cho sinh viên, nay phải khóa lại vì Ban quản lý yêu cầu hạn chế sự ra vào tự do của người ngoài và đảm bảo trật tự an ninh.

Nguyên nhân chính do một vài chủ hộ kinh doanh tại tầng 1 của tòa nhà có những hình thức làm ăn, kinh doanh chưa đúng với tiêu chí nhà ở sinh viên, như mở quán game 24/24h, hoạt động quán cà phê trá hình cho vay lãi mà trước đây báo chí đã phản ánh. Để khống chế và không phá vỡ hợp đồng với các chủ hộ kinh doanh, nên Ban quản lý đơn nguyên buộc phải đóng các cổng để kiểm soát khống chế thay vì chấm dứt hợp đồng, cho đóng cửa các hoạt động kinh doanh.

Không những các cổng ra vào của KTX bị khóa mà bên trong những cửa thoát hiểm - cầu thang bộ cũng bị vô hiệu hóa. Một sinh viên Học viện Kỹ thuật quân sự chia sẻ: “Ngày đầu các cửa thang bộ vẫn mở, lúc mất điện thang máy không hoạt động thì vẫn có lối đi, nhưng bây giờ thang máy tầng một khóa sinh viên đều phải đi bộ lên tầng 2 để đi thang máy, còn cửa thoát hiểm dẫn ra bên ngoài thì khóa”. 

Qua những phản ánh từ sinh viên đến thực tế, có thể thấy nếu trường hợp xấu xảy ra như hỏa hoạn thì sinh viên sống trong tòa nhà cao tầng sẽ phải làm gì để thoát nạn khi từ cửa thoát hiểm cầu thang bộ cho đến cổng ra vào đều bị vô hiệu hóa bằng những vòng khóa xích kiên cố?.

Đọc thêm