Sinh viên ngoại ngữ 'khóc dở, mếu dở' thực tập cuối khóa

(PLO) - Thực tập tốt nghiệp là cơ hội quý giá để sinh viên đưa lý thuyết vào ứng dụng, học hỏi kinh nghiệm thực tế, ít nhiều trau dồi kỹ năng để có thể tự tin bước vào môi trường công việc sau khi tốt nghiệp. Không ít chuyện "dở khóc, dở cười"cũng từ đó mà phát sinh. Đơn cử như chuyện của các sinh viên học các khoa/trường Ngoại ngữ sau đây...
Sinh viên khoa tiếng Trung (Đại học Hà Nội) trong tiết học dịch cabin.
Sinh viên khoa tiếng Trung (Đại học Hà Nội) trong tiết học dịch cabin.

Nguyễn Thị Hằng, học năm cuối trường đại học Ngoại ngữ, đang thực tập tại một công ty có vốn nước ngoài ở Thái Nguyên chia sẻ, công ty trang bị đầy đủ chỗ ăn ở cho sinh viên thực tập. Sinh viên được ở phòng kí túc xá của công ty, được sử dụng cả phòng tập thể hình, phòng trang điểm, thậm chí  cả phòng chiếu phim và karaoke. Đồ ăn khá phong phú và hợp khẩu vị...

Tuy nhiên, không phải "sinh viên ngoại ngữ" nào đi thực tập cũng may mắn như Hằng. Nhiều người phải tự lo nơi ăn, ở. Công việc nhiều áp lực và mệt mỏi.

Ngô Thị Hằng, sinh viên Khoa Ngôn ngữ Trung Quốc (Đại học Hà Nội) không ngồi trong văn phòng, công ty hay nhà xưởng để dịch thuật tài liệu, mà chọn thực tập bằng việc dẫn tour, làm phiên dịch viên du lịch cho người Trung Quốc đến tham quan, du lịch Nha Trang. "Công việc vất vả vì phải di chuyển nhiều, có khi phải đón khách lúc nửa đêm. Hoặc khi khách có vấn đề gì về khách sạn, em cũng phải giúp đỡ. Trong thời gian thực tập, thời gian ngày đêm lẫn lộn. Rồi mỗi vùng miền lại có tiếng địa phương khác nhau, nhiều khi giao tiếp với người bản địa lại không hiểu", Hằng bộc bạch.

Không chỉ áp lực về công việc, Hằng còn giảm cân bởi món mặn không phù hợp. "Món ăn mặn hay canh ở nơi em thực tập đều có đường. Giá cả khá đắt đỏ vì Nha Trang là khu du lịch", Hằng cho biết thêm.

Đỗ Thị Tuyến, sinh viên năm cuối khoa Ngôn ngữ Nhật (Đại học Ngoại ngữ) lại lựa chọn thực tập ở nước ngoài, với mong muốn được làm việc trong môi trường bản ngữ sẽ giúp cải thiện và hoàn thiện khả năng tiếng Nhật.

Tuyến cùng 8 người bạn sang Nhật làm thực tập sinh cho chuỗi nhà hàng và khách sạn. Làm cùng lúc nhiều công việc: order khách, đặt phòng cho khách... Người Nhật hay dùng phương ngữ để nói chuyện với nhau. "Hai người già nói chuyện với nhau thì em không hiểu. Từ ngữ họ dùng như một ngôn ngữ mới giống như ở Việt Nam gọi là tiếng địa phương. Chỉ có người Nhật mới hiểu. Vì thế, nhóm em thường phải hỏi người hướng dẫn để biết khách nói gì", Tuyến kể.

Tình trạng “ông nói gà bà nói vịt” nhiều khi gây đến không ít khó khăn cho "sinh viên ngoại ngữ" khi đi thực tập.

Nguyễn Thị Hải Yến (sinh viên khoa Hàn- Đại học Ngoại ngữ) chia sẻ, khi thực tập, Yến hay phải dịch cho các "sếp", tham gia các cuộc nói chuyện, đối thoại giữa "sếp" với giám đốc chi nhánh. Nhiều khi, hai người không đồng quan điểm, ý kiến sẽ khiến Yến rơi vào tình huống “tiến thoái lưỡng nan”, không biết phải xử lý tình huống như thế nào. "Sếp trách mắng vì em dịch sai làm các giám đốc chi nhánh không hiểu. Mà nguồn gốc của nguyên nhân lại là do giám đốc chi nhánh không nghe ý kiến của sếp, vẫn cho là mình đúng và không nghe theo", Yến giãi bày..

Đọc thêm