Số liệu trên được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/11.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 5.315 doanh nghiệp, tăng 5,4% so với tháng 10 và 59,8% so với cùng kỳ. Đặc biệt, báo cáo này cho biết số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đã tăng 72% so với tháng trước và tăng 103,5% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo này: “Việt Nam thực hiện mục tiêu kép "vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội" nên số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực.”
Tuy nhiên trước áp lực cạnh tranh, cả nước có 2.771 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 4.471 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 1.941 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Như vậy sau chặng đường 11 tháng, cả nước có gần 124.000 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước, số vốn đăng ký là 1,87 triệu và tạo ra cơ hội việc làm cho 970.000 lao động. Cùng với đó, quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đã tăng 21,7%.
Nếu tính cả 3 triệu tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp đang hoạt động thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng của năm nay xấp xỉ 5 triệu tỷ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, 40.800 doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động.
Tuy nhiên, trải qua những tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19, số doanh nghiệp phải tạm dừng của 11 tháng lên 93.500 đơn vị (tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể), tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đại diện Tổng cục Thống kê cũng cho hay doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực bán buôn-bán lẻ, sửa chữa ô tô-xe máy, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, khoa học-công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo...