Phóng viên Báo PLVN đã liên hệ với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hà Nội để có thêm thông tin song chưa được hồi âm. Còn Luật sư Trần Thu Nam,Văn phòng LS Tín Việt và Cộng sự (Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng, quy định này là “quá hà khắc và sẽ mang lại nhiều hệ luỵ”.
Thưa luật sư, ông nhìn nhận thế nào về Kế hoạch số 925,KH-SGD&ĐT?
- Việc Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành Kế hoạch số 925/KH-SGD&ĐT về việc tổ chức phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong ngành Giáo dục giai đoạn 2016-2020, trong đó có quy định nếu học sinh sinh viên (HSSV) đã được giáo dục vẫn tái phạm nhiều lần thì sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học 1 tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe “là xâm phạm đến danh dự và quyền của trẻ em, trái với Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004”.
Theo tôi, liên quan đến lĩnh vực Giao thông thì thuộc ngành Công an, giao thông quản lý xử phạt. Nhà trường chỉ có quyền và nghĩa vụ giáo dục học sinh tuân thủ luật giao thông nói riêng và luật pháp nói chung. Việc cảnh cáo toàn trường và ghi vào học bạ xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của trẻ em, khiến trẻ em phải chịu tiếng xấu gần như suốt đời vì học bạ gắn với học sinh suốt quá trình học tập và sau khi học tập.
Vì vậy, những quy định xử lý HSSV vi phạm luật giao thông như trên trong Kế hoạch này của Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ gây ức chế tâm lý và rắc rối cho học sinh. Còn việc nhà trường buộc nghỉ học 3 ngày, 1 tuần làm ảnh hưởng đến việc học tập, gián đoạn học tập ảnh hưởng nghiêm trọng đến thành tích, trình độ của các học sinh, vi phạm quyền được học tập đã được ghi nhận trong Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em.
Theo ông, cần có giải pháp nào trong trường hợp này để đảm bảo “hợp tình, hợp lý”?
- Thực sự thì việc HSSV vi phạm Luật Giao thông đường bộ là nhiều và có nhiều em cố tình, ngang nhiên vi phạm dù đã được cảnh báo, nhưng bản tính hiếu động khiến các em coi thường vi phạm luật, coi thường tính mạng của mình. Như đã phân tích ở trên, để giải quyết tình trạng này cần phải có giải pháp khác để giáo dục, trong đó có sự kết hợp giữa nhà trường và gia đình. Các biện pháp giáo dục với các em cần tế nhị vì lứa tuổi của các em nhận thức chưa đầy đủ, có thể làm những điều dại dột khi bị áp dụng hình thức kỷ luật.
Trân trọng cảm ơn Luật sư!
Anh Huỳnh Tuấn Anh (Hà Nội): “Giải pháp cho tình trạng HSSV vi phạm luật giao thông mà Sở GD&ĐT nên làm là hướng dẫn, vận động và cho học sinh cam kết về chấp hành pháp luật, trong đó có Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, cũng cần có biện pháp cứng rắn, không thể để HSSV cứ vi phạm pháp luật, coi thường tính mạng người khác như vậy.
Ở nhiều nước phát triển, việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật được thực hiện ngay khi công dân còn nhỏ. Ngay tại Mỹ, có những hành vi vi phạm mà học sinh không những bị buộc nghỉ học có thời hạn mà còn phải chịu sự giám sát của cảnh sát”.