Công ty Google (Mỹ) và Tập đoàn Temasek Holdings (Singapore) dự đoán quy mô của du lịch trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á đang tăng trưởng mạnh, tới năm 2025 sẽ đạt khoảng 90 tỷ USD; trong đó, du lịch trực tuyến tại Việt Nam chiếm khoảng 10%, tương đương 9 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), hiện đang chiếm lĩnh khoảng 80% thị phần giao dịch du lịch trực tuyến ở Việt Nam đều là các thương hiệu lớn của nước ngoài như Agoda.com, Booking.com, Traveloka.com, Expedia.com… Còn ở trong nước, hiện có khoảng 10 sàn giao dịch điện tử về du lịch như Ivivu.com, Mytour.vn, Chudu24.com, Gotadi.com, Tripi.vn…, nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu giao dịch.
Điều này cho thấy, ứng dụng CNTT vào ngành du lịch là một yêu cầu tất yếu nhưng không hề dễ dàng, chúng ta vẫn có thể bị “lấn át” ngay chính trên “sân nhà” trước những đối thủ không chỉ dày dạn kinh nghiệm mà còn có tiềm lực lớn, thương hiệu uy tín, bền vững trên thế giới.
Một tác giả người Việt, cũng là facebooker du lịch có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, từng đưa ra một so sánh giữa du lịch trực tuyến của Thái Lan và Việt Nam, với khẳng định sẽ càng nhiều du khách nước ngoài sẽ muốn lựa chọn Thái Lan. Nói riêng về dịch vụ trực tuyến, cô nhận xét: “Trang web Tổng cục Du lịch của Thái Lan (tourismthailand.org) có gần 40 thứ tiếng, có hẳn trang dành cho khách Việt, nhiều hình ảnh sinh động trực quan, thông tin thiết thực. Trong khi, website của Tổng cục Du lịch Việt Nam chỉ có tiếng Việt và tiếng Anh, giao diện cũ kỹ, chưa hấp dẫn với người xem”.
Tháng 7/2018, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã chính thức vận hành website xúc tiến du lịch quốc tế mới tại địa chỉ www.vietnam.travel với sự hỗ trợ kỹ thuật của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB). Tuy đã bước đầu khắc phục được một số yếu điểm; trang web mới chỉ có một ngôn ngữ là tiếng Anh. Trong khi, theo thống kê, du khách quốc tế đến Việt Nam phần lớn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á.
Từ đó cho thấy, sự tăng trưởng nhanh chóng của số lượng du khách và sự khó tính gia tăng của họ đối với chất lượng trải nghiệm đòi hỏi hệ thống CNTT không chỉ nhanh, tiện, rẻ mà còn phải hiệu quả, chính xác, toàn diện, cụ thể và phù hợp, dễ hiểu. Đặc biệt, quyết định hành trình của du khách ngày nay phụ thuộc rất lớn vào những thông tin họ có được qua các kênh thông tin trực tuyến; ví như thủ tục xuất nhập cảnh, khả năng tiếp cận của điểm đến, cơ sở vật chất, hình thức thu hút du khách, các hoạt động đi kèm, sản phẩm du lịch và sự hài lòng của người tham quan đối với những trải nghiệm tại điểm đến.
Đánh giá cao tầm quan trọng của CNTT, “ngành Du lịch Việt Nam đang tập trung xây dựng một cơ sở dữ liệu cơ bản, để có thể cung ứng thông tin, phục vụ công tác quản lý cho doanh nghiệp, du khách, đồng thời phát triển ứng dụng trên điện thoại thông minh, nhằm thích ứng với những thay đổi nhanh chóng về tương tác giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ và người dùng” - trả lời báo chí, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết.
“Đề án tổng thể ứng dụng CNTT tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của ngành Du lịch Việt Nam” của Tổng cục Du lịch nhấn mạnh: CNTT sẽ tạo cho Du lịch Việt Nam những cơ hội phát triển tích cực, quảng bá hình ảnh đất nước, tăng lợi thế cạnh tranh trong khu vực, đáp ứng đa dạng nhu cầu của du khách, góp phần phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Như câu nói của ông Zurab Pololikashvili, Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO): “Sáng tạo và đổi mới của công nghệ số trong ngành du lịch sẽ mở rộng quy mô bao trùm, tăng sự chủ động của cộng đồng địa phương trong công tác kế hoạch, tổ chức và quản lý du lịch cũng như sử dụng tài nguyên hiệu quả nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững”.