Số hóa phim để lưu trữ: Lo ngại xâm phạm tác quyền

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khi phim tài liệu được số hóa, xã hội hóa để lưu trữ và phục vụ quần chúng, nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng về vấn đề bảo vệ bản quyền phim trên mạng.
Bảo tồn, số hóa tư liệu phim nhựa Việt Nam còn nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)
Bảo tồn, số hóa tư liệu phim nhựa Việt Nam còn nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)

Vất vả lưu trữ “kho tàng” phim nhựa

Mới đây, tại Hội nghị các Viện Lưu trữ Nghe Nhìn Đông Nam Á – Thái Bình Dương (SEAPAVAA), bà Karen Chan – Chủ tịch SEAPAVAA khẳng định, năm 2020 và 2021 là thời kỳ đầy thách thức đối với các cơ quan lưu trữ và di sản, các Viện lưu trữ trên thế giới đều đang trải qua tình trạng khủng hoảng.

Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, công tác lưu trữ, bảo quản phim ngày càng phức tạp và khó khăn hơn vì vừa phải tiếp thu công nghệ khoa học kỹ thuật mới, vừa phải tiếp tục duy trì việc bảo quản phim nhựa truyền thống. Đặc biệt khi đối tượng là những thước phim tài liệu, phim nhựa truyền thống lâu năm có giá trị lịch sử, truyền thống to lớn, cũng là di sản quý giá của quốc gia – dân tộc.

Theo ông Phạm Ngọc Quang, Giám đốc công nghệ Công ty Cổ phần Nghe nhìn Việt Nam, lưu trữ điện ảnh là một nhiệm vụ nặng nề với những nghiệp vụ khó khăn như tu sửa, phục dựng nhằm bảo tồn những thước phim tư liệu quý giá của lịch sử đất nước. Hiện tại, số lượng hàng trăm ngàn cuốn phim nhựa trong các kho phim đã và đang xuống cấp, hư hại theo thời gian.

Sẽ vô cùng tốn kém để thực hiện việc tu sửa, phục hồi, chuyển đổi phim nhựa truyền thống sang định dạng kỹ thuật số rồi lưu trữ trên các hệ thống kỹ thuật số phù hợp. Dù vậy, đây lại là lựa chọn duy nhất thời điểm này để bảo tồn, lữu trữ các kho phim điện ảnh – di sản văn hóa của nước nhà.

Tình trạng này cũng xảy ra đối với công tác lưu trữ, bảo quản phim tại Điện ảnh – Truyền hình Biên phòng, khi rất nhiều tác phẩm đang đứng trước nguy cơ lão hóa cao, một số đã hư hỏng, xuống cấp hoặc công nghệ trình chiếu đã thay đổi khiến không thể khai thác được.

Đại tá Hoàng Ngọc Thanh – Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng, nguyên Giám đốc Điện ảnh – Truyền hình Biên phòng, cho biết việc tiến hành lưu trữ, bảo quản, số hóa phim phục vụ cho nhiệm vụ chính trị lâu dài là hết sức cần thiết và cấp bách.

Hay như kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện đang lưu giữ hơn 3 vạn tư liệu phim ảnh gốc về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đây là tài sản quốc gia, là hiện vật gốc chứa đựng nhiều giá trị.

Bà Nguyễn Hương Giang, Phó trưởng phòng Kiểm kê, Bảo quản Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù tất cả số phim ảnh này đều được bảo quản theo đúng quy định, song với điều kiện khí hậu nóng ẩm của Việt Nam, để số tư liệu này có tuổi thọ lâu dài là điều không đơn giản. Không những vậy, việc số hóa phim nhựa có nhiều lợi ích về mặt kinh tế, về môi trường, thuận tiện cho việc cất giữ, khai thác và thường không làm suy giảm chất lượng hay ảnh hưởng đến phim gốc.

Băn khoăn xâm hại tác quyền trên mạng

Tuy nhiên, khi phim tài liệu được số hóa và xã hội hóa để phục vụ quần chúng, ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó Viện trưởng điều hành Viện Phim Việt Nam bày tỏ sự lo ngại về vấn đề bảo vệ bản quyền phim trên mạng.

Mới đây, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin Truyền thông, cảnh báo tình trạng xâm hại quyền tác giả, quyền liên quan đối với xuất bản phẩm in, xuất bản phẩm điện tử trên website, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, ứng dụng di động, gọi chung là trên không gian mạng, có chiều hướng gia tăng.

Do vậy, các cơ quan chức năng đang khuyến khích các doanh nghiệp phát hành cung cấp thông tin bị xâm hại quyền tác, giả quyền liên quan trên không gian mạng để được bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Tình trạng xâm hại bản quyền phim ảnh trên không gian mạng vốn phổ biến trong nhiều năm nay. Trong năm 2020, nhiều trang web xem phim lậu đã bị chặn, nhưng lập tức xuất hiện nhiều trang mới để tiếp tục hoạt động. Còn vào khoảng cuối năm 2020, dư luận xôn xao tranh cãi xung quanh việc một số bộ phim Việt Nam trên nền tảng chiếu phim có thu phí của nước ngoài nhưng không tuân thủ pháp luật về bản quyền tại Việt Nam.

Thực trạng nhức nhối đã cho thấy các “lỗ hổng” trong hệ thống pháp luật bản quyền cho phim ảnh số tại nước ta. Bên cạnh nhiều cơ quan, cán bộ quản lý vẫn mơ hồ về pháp luật bản quyền, nhiều đơn vị quản lý, sản xuất, phát hành phim tại Việt Nam cũng thường làm việc cảm tính, tuỳ tiện, dẫn đến việc bản quyền phim bị “rải rác” ở nhiều nơi.

Số hóa phim ảnh, đặc biệt là những phim tài liệu quý giá của nước nhà, là xu hướng tất yếu, nhiệm vụ cần thực hiện kịp thời để bảo tồn những di sản điện ảnh, gìn giữ cho các thế hệ sau này.

Bên cạnh đó, để đảm bảo nội dung được lan truyền sẽ không gây tác động tiêu cực, vi phạm quy định pháp luật, tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình phim, cần sớm có quy định, chế tài để đưa hoạt động sản xuất, phổ biến phim trên không gian mạng vào khuôn khổ.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường xác định vai trò, nhiệm vụ trong quản lý điện ảnh để từ đó góp phần xây dựng thành công nền tảng số với hệ thống phim đồ sộ, trong đó có mảng phim chiếu miễn phí và thu phí.

Đọc thêm