Số lượng cảnh báo SPS của EU với nông sản Việt Nam đang tăng bất thường

(PLVN) - Trong 6 tháng đầu năm 2024,Việt Nam nhận 57 cảnh báo SPS của EU với nông sản Việt Nam, tăng hơn 80% so với cùng kỳ. Cùng với đó, thông báo thay đổi và dự thảo các biện pháp SPS của EU trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng gần 20%, nhiều nhất trong các đối tác thương mại nông sản của Việt Nam.
Ảnh minh hoạ

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị phổ biến các quy định về biện pháp kiểm dịch động, thực vật (SPS) trong Hiệp định EVFTA và RCEP do Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) và Kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS-Bộ NN&PTNT) Việt Nam phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Sở ATTP TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 2/8.

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, với các quy định SPS thay đổi liên tục, Văn phòng SPS Việt Nam đóng vai trò là đầu mối, cung cấp thông tin để xuất khẩu đáp ứng các quy định liên quan đến ATTP và Kiểm dịch động, thực vật.

Theo ông Hòa, việc Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, RCEF… cơ bản đã tạo ra sân chơi công bằng và rộng lớn hơn trước đó với các đối tác lớn như Đông Á và các nước châu Âu.

Các hiệp định thương mại tự do tạo ra thuận lợi về thuế, đặc biệt là giảm dòng thuế về 0% đối với nông sản tươi và qua chế biến, tạo cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt phù hợp doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nông sản thực phẩm chế biến sâu.

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, thông báo thay đổi và dự thảo các biện pháp SPS của EU trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng gần 20%, nhiều nhất trong các đối tác thương mại nông sản của Việt Nam. Ngược lại, một số thị trường như Trung Quốc gần như không có thông báo nào.

Tính từ năm 2000, các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương có xu hướng tăng thông báo, từ chưa đến 250 thông báo (năm 2000) đã tăng lên hơn 1.100 thông báo (năm 2022).

Ngoài ra, các đối tác chính về thương mại xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và thực phẩm của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là nơi có nhiều thông báo nhất, chiếm hơn 60%.

Điều đáng ngại, theo ông Nam, trong 6 tháng đầu năm là số lượng cảnh báo từ EU tăng bất thường. Cụ thể, Việt Nam nhận 57 cảnh báo trong nửa năm, trong khi cùng kỳ năm 2023 là 31 cảnh báo, tăng hơn 80%. Trong số này, TP Hồ Chí Minh chiếm nhiều nhất, với 23 cảnh báo.

Việc EU tăng số lượng cảnh báo góp phần khiến tần suất kiểm tra biên giới của nông sản tăng. Hiện Việt Nam còn 4 mặt hàng phải chịu, với tần suất thanh long (30%), ớt (50%), đậu bắp (50%), sầu riêng (10%).

“Xu hướng này có thể tăng tiếp nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời”- ông Nam tỏ ra sốt ruột.

Cũng theo Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, trong khi EU định kỳ 6 tháng 1 lần rà soát về áp dụng các biện pháp tăng cường, kiểm tra bổ sung, quản lý nhập khẩu, thì việc góp ý cho thông báo dự thảo về biện pháp SPS của Việt Nam còn hạn chế.

“Chỉ một số ít địa phương, như Hải Dương, thực sự quan tâm và có những phản hồi đầy đủ, kịp thời…” - ông Nam cho hay.

TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam

Phân tích nguyên nhân về sự tăng bất thường số lượng cảnh báo, Phó giám đốc Ngô Xuân Nam cho rằng, có cả lý do chủ quan lẫn khách quan.

Về phía chủ quan, doanh nghiệp xuất khẩu chưa thực sự tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu vì mức MRL (giới hạn dư lượng của một loại thuốc, được tính bằng mg/kg) đối với mỗi hoạt chất của mỗi nước là khác nhau. Việc này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu chuyên sâu và am hiểu khoa học, kỹ thuật.

Ngoài ra, theo thói quen từ trước, người sản xuất ở một số nơi còn chưa có biện pháp, kế hoạch sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc kháng sinh, phân bón không đúng hướng dẫn. Ông Nam đưa ra ví dụ về khảo sát tại Thừa Thiên - Huế năm 2020, trong đó có đến 95% hộ nuôi tôm sử dụng kháng sinh.

Trách nhiệm kiểm tra, giám sát cũng là một lý do khiến số lượng cảnh báo tăng. Lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng, tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa đạt. Ví dụ sầu riêng chỉ giám sát 52% vùng trồng và 47% cơ sở đóng gói.

“Pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định và chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP”- ông Nam bày tỏ.

Vừa qua, Thủ tướng phê duyệt đề án nâng cao hiệu thực thi SPS. Song song với hoạt động triển khai đề án , đại diện Văn phòng SPS Việt Nam kêu gọi sự vào cuộc đồng bộ của vùng trồng, vùng nuôi; doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, chế biến; hiệp hội ngành hàng; cơ quan quản lý và địa phương.

“Không cách nào khác phải tăng cường liên kết theo hướng đồng quản lý ATTP, chất lượng, góp phần giúp chuẩn hóa ngay từ nguyên liệu đầu vào. Chỉ khi nào từng khâu làm tròn trách nhiệm của mình, nền nông nghiệp Việt Nam mới thoát cảnh e dè trước những thay đổi của thị trường nhập khẩu”- Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.

Theo Văn phòng SPS Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, có 551 thông báo và thông báo dự thảo biện pháp SPS được gửi đến Việt Nam, so với 6 tháng đầu năm 2023 là 566 thông báo. Về số lượng, các thị trường có số thông báo nhiều nhất lần lượt là Canada, Nhật Bản, Brazil, sau đó là nhiều quốc gia, nhóm quốc gia khác.

Trong số 551 thông báo của nửa đầu năm 2024, số lượng lớn nhất thuộc về dư lượng (115 thông báo), sau đó là sức khỏe động vật, sức khỏe thực vật, thức ăn chăn nuôi....

Tương đương với đó, các cơ quan của Việt Nam nhận được nhiều thông báo nhất lần lượt là Cục BVTV (Bộ NN&PTNT), Cục ATTP (Bộ Y tế), Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương)...

Đọc thêm