Số phận mong manh của biệt kích quân đội Việt Nam Cộng hòa

(PLO) -Sau khi phê chuẩn Kế hoạch 34A, Nhà Trắng thúc ép SOG triển khai các hoạt động chống phá Hà Nội bằng lực lượng ngầm, nhưng không được sự phối hợp tận tình của CIA. 
Cảng Đà Nẵng, nơi SOG tổ chức lực lượng yểm trợ biệt hải
Cảng Đà Nẵng, nơi SOG tổ chức lực lượng yểm trợ biệt hải

Thế nên, số phận của lực lượng biệt kích càng trở nên mong manh, thảm bại so với những gì được đầu tư, trang bị

Mô hình tổ chức mới

Đại tá Clyde Russell được chỉ định lãnh đạo MACVSOG (gọi tắt là SOG), đến Sài Gòn cùng một nhóm tiền trạm nhỏ vào tháng 1/1964. Russell sẽ nhận mọi nguồn lực của CIA đã xây dựng trước đây để phát triển SOG, nhưng CIA bàn giao “gia tài” cho SOG rất nghèo nàn, chỉ gồm:

4 toán biệt kích, một điệp viên đơn tuyến đã xâm nhập vào miền Bắc; một số phi công Quốc dân đảng phục vụ cho các chuyến bay tung gián điệp và tiếp tế; một vài mạng liên lạc; một số cơ sở vật chất phục vụ hoạt động trên biển ở Đà Nẵng; và một chương trình chiến tranh tâm lý mới được thúc đẩy…. 

Thêm đó, tháng 6/1964, Giám đốc CIA McCone gửi thư cho Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Cyrus Vance thông báo, “sự hỗ trợ của CIA chỉ dành cho hoạt động chiến tranh tâm lý". Việc này khiến Russell không tuyển dụng được nhiều nhân viên có kinh nghiệm. 

Trên cơ sở “nguồn vốn” huy động được và những toan tính trong thực hiện Kế hoạch 34A, Russell tổ chức SOG thành bốn bộ phận nghiệp vụ chủ yếu: Mạng lưới điệp viên và chương trình đánh lạc hướng; tập kích trên biển; chiến tranh tâm lý và hoạt động thám báo qua biên giới chống phá đường mòn Hồ Chí Minh. 

SOG đặt mật danh cho toàn bộ chiến dịch chống Hà Nội là “Footboy", mỗi bộ phận lại có một mật danh khác. Ví dụ, việc cài cắm và chỉ đạo các toán điệp viên hoạt động lâu dài mang tên "Timberwork" nhưng sau đó Timberwork cũng bao gồm cả các toán biệt kích ngắn hạn và vào cuối năm 1967, được giao điều hành chương trình rất phức tạp nhằm đánh lừa miền Bắc có mật danh là Forae. 

Hoạt động trên biển mang mật danh là "Plowman", bao gồm nhiều hoạt động bán quân sự và tâm lý. "Hulidor" là mật danh của hoạt động chiến tranh tâm lý chống lại miền Bắc, bao gồm nhiều kỹ thuật tâm lý chiến khác nhau. 

Trong hoạt động thám báo trên đường mòn Hồ Chí Minh, SOG lập ra một số căn cứ hoạt động tiền tiêu (FOB) nằm rải rác trên vùng lãnh thổ miền Nam Việt Nam để kiểm soát, hỗ trợ các toán biệt kích. Căn cứ quan trọng nhất của SOG là Khâm Đức (Khe Sanh), phụ trách phần lớn các hoạt động biệt kích bên Lào. 

Đến cuối năm 1965, SOG mới được mở rộng hoạt động thám báo sang Lào với mật danh "Shining Brass", nhằm điều nghiên nắm tình hình một cách chính xác về mạng lưới đường Hồ Chí Minh và ngăn chặn không cho Hà Nội sử dụng Lào làm bàn đạp để phát động các cuộc tấn công vào Nam Việt Nam. Đến năm 1967, hoạt động thám báo qua biên giới được mở rộng sang Campuchia và mang mật danh mới "Daniel Boone".

SOG còn có một bộ phận nghiệp vụ nữa giữ vai trò là  người tiếp tế qua đường hàng không cho tất cả các hoạt động bí mật chống lại miền Bắc và tập trung vào đường mòn Hồ Chí Minh. Mật danh của hoạt động đường không này là "Midriff”. Bộ phận này quản lý các máy bay và trực thăng của SOG. 

Lực lượng mà SOG tuyển chọn gồm nhiều đối tượng khác nhau, nhưng nguồn đầu vào chất lượng thì rất hiếm.
Lực lượng mà SOG tuyển chọn gồm nhiều đối tượng khác nhau, nhưng nguồn đầu vào chất lượng thì rất hiếm.

Không hợp cạ?

Theo thỏa thuận giữa Nhà Trắng với chính phủ Nam Việt Nam, quá trình xây dựng tổ chức, SOG chỉ đóng vai trò là cố vấn, trợ giúp vật chất, huấn luyện, giúp quân đội Sài Gòn lập kế hoạch và hướng dẫn thực hiện.

Để duy trì tính chính thống của hoạt động biệt kích gián điệp, chính phủ Sài Gòn chịu trách nhiệm tuyển dụng, sử dụng các điệp viên và trả lương và SOG làm nhiệm vụ điều hành và huấn luyện đào tạo những gián điệp- biệt kích. Lầu Năm Góc cung cấp một khoản tài chính cho chính quyền Sài Gòn để trả lương cho các điệp viên.

Song Russell đã không nhận được sự giúp đỡ từ Tổng nha kỹ thuật chiến lược Nam Việt Nam (STD). SOG vừa phải vạch kế hoạch và vừa trực tiếp tổ chức thực hiện hoạt động ngầm chống lại Bắc Việt Nam. STD chỉ cung cấp người bản xứ cho các hoạt động của SOG và tham gia một số hoạt động nhỏ lẻ khác.

Ngay từ những ngày đầu, việc sắp xếp liên kết phối hợp phát sinh vấn đề. STD bất lực trong tuyển dụng nhân sự chất lượng cao cho huấn luyện đào tạo điệp viên, khiến các quan chức MACV-SOG than thở trong báo cáo năm 1964, đề cập đến Tổng nha tình báo chiến lược dịch vụ kỹ thuật STD Sài Gòn.

Thời gian đầu, SOG sử dụng những quân nhân Mỹ tạm thời (TDY). Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương thành lập đơn vị hải yểm cho ban cố vấn hải quân Mỹ ngoài Đà Nẵng 4 toán: Một là, toán sửa chữa và bảo trì: Toán này tổ chức tăng phương tiện từ 4 chiếc tàu lên 8 chiếc và đồng thời tăng quân số tổng cộng 4 lần, trong đó có cả sĩ quan và lần nhiều nhất là 11 binh sĩ, lần ít nhất là 5 binh sĩ.

Hai là, toán huấn luyện lái tàu: Tùy thuộc vào số tàu và số thủy thủ Việt Nam mà tổ chức việc huấn luyện. Theo tiêu chuẩn thì cần hai sĩ quan và 10 binh sĩ cho mỗi chiếc tốc đĩnh (PTF). Ba là, toán huấn luyện người nhái (SEAL), gồm 2 sĩ quan, 10 binh sĩ. Bốn là, toán biệt hải, gồm 1 sĩ quan, 3 binh sĩ.

Đến tháng 3/1964, nhân lực cho đơn vị SOG được tăng cường tạm thời 100 người, gồm 97 quân nhân và 3 viên chức. Quân lực Mỹ cũng đóng góp một sĩ quan và 15 binh sĩ để huấn luyện quân biệt kích Việt Nam trong căn cứ Long Thành, Trung tâm huấn luyện nhảy dù và chiến tranh ngoại lệ dưới Vùng IV chiến thuật.

Trong tháng 3/1964, chương trình huấn luyện gồm có cách mưu sinh, kỹ thuật vượt sông, chướng ngại vật, cứu thương, chiến thuật, sử dụng vũ khí, nhảy dù và thực tập. Những ứng viên - điệp viên được tuyển chọn từ các trại tị nạn những người miền Bắc di cư vào Nam và quân đội Sài Gòn. Sài Gòn cũng tìm cách tuyển dụng nhân sự từ các tù binh bị bắt trên chiến trường và trên biển.

Sau khi các điệp viên biệt kích trải qua các khóa đào tạo, các lực lượng tình báo quân sự Mỹ và chế độ Sài Gòn sử dụng các máy bay đặc biệt đổ bộ nhảy dù xuống gần các địa bàn cần thâm nhập, hoặc đổ bộ bằng máy bay trực thăng. Các hoạt động trên biển, biệt kích được đổ bộ bằng xuồng cao tốc, sau đó chuyển các điệp viên lên bờ bằng các loại thuyền hoặc các tàu dân sự ngụy trang khác.

Trong tổ chức hoạt động trên vùng lãnh thổ miền Bắc Việt Nam, các cố vấn Mỹ chỉ huy và điều hành khuyến khích các nhóm biệt kích tuyển dụng người dân địa phương để hỗ trợ và mở rộng các hoạt động tình báo. Mang theo điện đài đặc biệt, các nhóm gián điệp biệt kích có thể thu xếp để máy bay thả vật tư, hậu cần kỹ thuật hoặc quân tiếp viện.

Một toán biệt kích biệt hải do SOG huấn luyện.
Một toán biệt kích biệt hải do SOG huấn luyện.

Điểm đặc biệt là SOG không có mối liên lạc trực tiếp với các nhóm gián điệp biệt kích hoạt động trong vùng sâu hậu phương của đối phương. Điện đài là phương tiện duy nhất để kết nối với các nhóm điệp viên – biệt kích. Lực lượng an ninh khống chế nhóm biệt kích Boone, buộc chúng phải liên lạc với Sài Gòn để cung cấp tin giả và yêu cầu vũ khí trang bị.

Đến sau 1968, MACV-SOG đã phát triển thành một đơn vị lớn với hơn 2.000 quân Mỹ và 10.000 lính địa phương. Đáng chú ý là, trong ban an ninh của SOG có đơn vị Cảm tử quân đặc biệt (SCU)  làm rường cột cho những toán biệt kích SOG và Nha Kỹ thuật. SCU gồm phần lớn người thiểu số (77%), thuê thêm một số người ngoại quốc, Việt Nam cho những nhiệm vụ khác như sửa chữa, bảo trì, thư ký hành chánh...

Mùa thu năm 1966, SOG chỉ đạo lập lực lượng du kích lưu động để huấn luyện, xâm nhập vào vùng địch, do thám đường mòn, tìm kiếm dấu vết, căn cứ địch, thâu lượm tin tức tình báo về những cuộc chuyển quân của địch. Khi phát giác ra nơi đóng quân của địch, toán du kích sẽ theo dõi các hoạt động, phục kích lẻ tẻ, quấy rối, đặt mìn bẫy.

Trường hợp tìm thấy kho tiếp liệu, toán sẽ tìm cách phá hủy hoặc hướng dẫn phi cơ oanh kích. Đơn vị này thường hoạt động trong lòng địch một thời gian từ ba mươi đến sáu mươi ngày. Để tránh bị lộ hành tung, đôi khi phải cho đồ tiếp tế vào bom Napalm giả do khu trục cơ A1E Skyraider thả xuống trong một phi vụ oanh kích giả tạo.

Ngoài ra, Liên đoàn 5 của Lực lượng đặc biệt còn tổ chức thêm những cuộc hành quân ngoại lệ (Omega và Sigma), làm tăng thêm khả năng viễn thám, thâu lượm tin tức tình báo của liên đoàn ngoài chương trình hành quân Delta đã có sẵn.

Mỗi tổ chức có quân số khoảng 600 người, gồm một đơn vị viễn thám và một đơn vị xung kích tiếp ứng. Riêng hành quân Delta được đặt dưới quyền chỉ huy hỗn hợp LLĐB Việt Mỹ và theo lệnh trực tiếp của Bộ Tổng Tham mưu quân lực VNCH và BCH Quân viện Hoa Kỳ.

Đọc thêm