Theo Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2015, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật. Theo Điều 105, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, bao gồm bất động sản và động sản.
Tiền gửi tiết kiệm trong ngân hàng cũng là tài sản và hoàn toàn có thể được định đoạt trong di chúc theo ý nguyện của người lập di chúc.
Cần lưu ý rằng sổ tiết kiệm chỉ là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu của chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm hoặc đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm về khoản tiền đã gửi tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm (khoản 7 Điều 6 Quy chế về tiền gửi tiết kiệm ban hành theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN; được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 47/2006/QĐ-NHNN và Thông tư số 04/2011/TT-NHNN) nên tài sản thực sự để để thừa kế trong trường hợp này được hiểu là tiền gửi tiết kiệm trong ngân hàng (kể cả các lợi ích phát sinh như tiền lãi,…) chứ không phải chỉ là quyển sổ tiết kiệm/ thẻ tiết kiệm.
Điều 17 Quy chế về tiền gửi tiết kiệm cũng quy định về trường hợp về rút tiền gửi tiết kiệm theo thừa kế. Theo đó, thủ tục rút tiền gửi tiết kiệm theo thừa kế do tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm quy định phù hợp với các quy định về thừa kế tại Bộ Luật dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan.
Như vậy, chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm hoàn toàn có quyền lập di chúc để định đoạt quyền được thừa kế, quyền hưởng di sản của người khác đối với số tiền tiết kiệm đó. Để đảm bảo giá trị pháp lý của di chúc, tốt nhất cần nhờ đến sự tư vấn của các chuyên gia pháp lý (luật sư, công chứng viên,..) để lập di chúc đúng theo quy định của pháp luật.