Sở Tư pháp Điện Biên điểm sáng trong cải cách hành chính

(PLVN) - Theo công bố mới nhất của UBND tỉnh Điện Biên về chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2020, Sở Tư pháp tỉnh là đơn vị đứng đầu bảng xếp hạng so với các cơ quan chuyên môn tại địa phương.
Sở Tư pháp Điện Biên điểm sáng trong cải cách hành chính.
Sở Tư pháp Điện Biên điểm sáng trong cải cách hành chính.

Triển khai nhiều giải pháp

Để có được kết quả đó, thời gian qua Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Hàng năm, các lĩnh vực công tác đều hoàn thành so với nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao, trong đó một số nhiệm vụ hoàn thành vượt mức. Đây là nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Ông Phạm Đình Quế, Giám đốc Sở Tư pháp Điện Biên cho biết: Những năm qua, Sở luôn xác định CCHC làm nhiệm vụ quan trọng trong công tác tư pháp. Nên Sở luôn bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương và của UBND tỉnh về CCHC đến công chức, viên chức, người lao động. Đồng thời, xây dựng, ban hành kế hoạch CCHC, xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại; tạo ra đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất và năng lực; giúp hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.

Công tác CCHC được Sở Tư pháp chú trọng triển khai rộng rãi đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động cơ quan.

Công tác CCHC được Sở Tư pháp chú trọng triển khai rộng rãi đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động cơ quan.

Đáng chú ý là nhiệm vụ cải cách thể chế được chỉ đạo, triển khai đồng bộ, toàn diện trên tất cả các mặt, lĩnh vực; các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) khi tham mưu ban hành đều tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định; công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật được thực hiện đảm bảo đúng tiến độ; nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), việc tổ chức cán bộ, tài chính công và công tác hiện đại hóa hành chính được tham mưu đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.

Với nhiệm vụ được giao Sở Tư pháp đã chủ động theo dõi các văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành cập nhật vào cơ sở dữ liệu Quốc gia về pháp luật bảo đảm kịp thời. Theo đó, 100% các văn bản QPPL do tỉnh ban hành đã được Sở Tư pháp cập nhật, kiểm tra và công khai trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về pháp luật và trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC.

Công tác tổ chức bộ máy và đào tạo bồi dưỡng cán bộ được quan tâm, bố trí công việc theo đúng trình độ, vị trí việc làm, tạo điều kiện cho công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn… Công tác hiện đại hóa nền hành chính được Sở quan tâm, chỉ đạo sát sao. Qua đó, ý thức trách nhiệm trong giải quyết công việc của đội ngũ công chức, viên chức tại đơn vị không ngừng được nâng lên. Các trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin được sửa chữa, nâng cấp kịp thời, phục vụ tốt cho công tác chuyên môn, thúc đẩy kết quả giải quyết TTHC và các nhiệm vụ chuyên môn đảm bảo chất lượng và đúng thời gian.

Mọi thủ tục hành chính đều được niêm yết công khai, minh bạch.

Mọi thủ tục hành chính đều được niêm yết công khai, minh bạch.

Các phòng, đơn vị trực thuộc Sở luôn chú trọng đổi mới phong cách làm việc của đội ngũ công chức, viên chức, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Những thông tin về TTHC được niêm yết công khai, minh bạch, đầy đủ, thường xuyên và rõ ràng tại nơi tiếp nhận hồ sơ và trả kết, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch công việc, giảm bớt thời gian trong thực hiện TTHC. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc và đảm bảo đúng pháp luật.

Tỷ lệ hồ sơ giải quyết tăng cao

Thống kê năm 2020, Sở Tư pháp đã nhận giải quyết 12.769 hồ sơ, trong đó tổng số hồ sơ đã giải quyết trước và đúng hạn là 12.709 hồ sơ, số hồ sơ đang giải quyết trong hạn 60 hồ sơ, không có hồ sơ quá hạn. Việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC tại đơn vị được thực hiện theo đúng quy định về trình tự, cách thực thực hiện, thành phần hồ sơ, phí lệ phí, mẫu đơn, mẫu tờ khai. Về thực hiện rà soát, đánh giá TTHC lĩnh vực tư pháp, đơn vị cũng đã thực hiện đánh giá 6 TTHC, giảm thời gian được 2 TTHC.

Ngoài ra, Sở Tư pháp đã tham gia ý kiến đối với 196 văn bản, các văn bản này đều không có quy định về TTHC; thẩm định 67 dự thảo văn bản QPPL; tham mưu công bố chuẩn hóa danh mục TTHC được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong các lĩnh vực: Quốc tịch, đấu giá tài sản, luật sư, tư vấn pháp luật, chứng thực… Các TTHC được công bố, chuẩn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đã được cập nhật, bổ sung kịp thời trên bảng niêm yết TTHC và trên trang dịch vụ công của tỉnh tại địa chỉ https://dichvucong.dienbien.gov.vn.

Bộ phận tiếp công dân tại Sở Tư pháp Điện Biên.

Bộ phận tiếp công dân tại Sở Tư pháp Điện Biên.

Theo ông Phạm Đình Quế: Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC, thời gian tới Sở Tư pháp sẽ tiếp tục triển khai, áp dụng phần mềm đăng ký, quản lý của tỉnh Điện Biên; đẩy mạnh xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng; sử dụng hòm thư công vụ để trao đổi công việc; thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử trên Hệ thống Phần mềm quản lý văn bản và điều hành giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên; tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng chữ ký số cá nhân, đảm bảo tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng; tích cực sử dụng mạng công nghệ để điều hành công việc nhằm rút ngắn thời gian hội họp, giảm giấy tờ hành chính và nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu.

Với những định hướng đúng đắn, cách làm khoa học, hiệu quả, Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên được đánh gíá là đơn vị đứng đầu về chỉ số CCHC của tỉnh. Đó là kết quả của sự nỗ lực của tập thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, góp phần đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đọc thêm