Lai Châu là một tỉnh vùng cao biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó. Đặc biệt đại dịch Covid-19 đã làm cho nhiều doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, đây là dịp để các doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, từ đó kiến nghị, đề xuất lên cấp có thẩm quyền quan tâm, xem xét, tạo cơ chế chính sách để hoạt động hiệu quả cao hơn.
Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp. |
Trước khi trao đổi, thảo luận, Hội nghị đã nghe báo cáo về tình hình hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp 9 tháng đầu năm. Trong thời gian vừa qua, hoạt động công tác bổ trợ tư pháp luôn nhận được sự quan tâm của UBND tỉnh, đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc cần được tháo gỡ.
Phát biểu tại Hội nghị ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Sở Tư pháp Lai Châu cho biết: Doanh nghiệp ngày càng có vị trí, đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hội nghị đối thoại đối với các doanh nghiệp nhằm kịp thời năm bắt và giải đáp những thắc mắc trong công tác hỗ trợ bổ trợ tư pháp.
Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Sở Tư pháp Lai Châu phát biểu tại hội nghị. |
Với tinh thần cởi mở, các doanh nghiệp đã thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc về tình hoạt động của đơn vị mình. Qua đó, kiến nghị, đề xuất lên cấp có thẩm quyền sớm có giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động như: Công chứng, chứng thực; trợ giúp pháp lý; xác định quyền sở hữu đất liên quan đến sổ hộ khẩu; cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; chứng thực một số giấy tờ của công dân; giám định tư pháp; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp…
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Tại Hội nghị đại diện các doanh nghiệp đã kiến nghị 34 ý kiến về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ từ đầu năm đến nay. Trong đó, có 16 ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở; 7 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh; còn lại 11 kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách và quy định hiện hành thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.
Các nội dung kiến nghị như: Một số quy định của pháp luật chưa cụ thể, chưa thống nhất; cần quy định rõ hơn thời gian trả kết quả để các cơ quan phối hợp với nhau hợp lý, giảm thời gian đi lại cho người dân; chi phí cho giám định kỹ thuật hình sự chưa có quy định và việc thu phí đối với việc thực hiện giám định kỹ thuật hình sự; cần có quy chế phối hợp giữa Trung tâm Giám định pháp y (Sở Y tế) với Giám định pháp y hình sự. Ngoài ra, một số nội dung liên quan đến giám định tư pháp, đấu giá tài sản cũng cần được xem xét bổ sung cho phù hợp hơn với điều kiện thực tế địa phương…
Tại Hội nghị các đại biểu đã tích cực tham gia trao đổi, kiến nghị, đề xuất những khó khăn, vướng mắc tại đơn vị của mình. |
Trên cơ sở các kiến nghị, đề xuất, Sở Tư pháp Lai Châu đã trực tiếp đối thoại, giải đáp những thắc mắc thuộc thẩm quyền của Sở. Còn các kiến nghị ngoài thẩm quyền, được tổng hợp để tham mưu với UBND tỉnh và các Bộ, ngành liên quan, sớm có giải pháp xử lý, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn.