Đừng đổ lỗi cho vắc xin
Liên tiếp các trường hợp trẻ tử vong cũng như bị biến chứng nặng sau khi tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 (đặc biệt chỉ trong tháng 10/2015 có tới 2 trẻ tử vong) thời gian qua đã dấy lên mối lo ngại về chất lượng của vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Tuy nhiên, theo TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, các trường hợp tử vong sau tiêm chủng ở trẻ em có rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là tử vong do trùng lặp ngẫu nhiên với bệnh lý của trẻ, không liên quan đến tiêm văcxin.
Cụ thể, ông Phu cho hay, mỗi ngày tại Việt Nam có tới 70 trẻ dưới một tuổi tử vong không rõ nguyên nhân. Tỷ lệ phản ứng sau tiêm Quinvaxem ở Việt Nam là 4,5 ca trong một triệu liều sử dụng, trong khi khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 20 ca phản ứng trong một triệu liều sử dụng.
Nguyên nhân thứ hai gây tai biến có thể do vắc xin. Thứ ba là do thực hành tiêm chủng và thứ tư là do chính cơ địa của trẻ. Thực tế cho thấy, cùng lô vắc xin, cùng loại vắc xin tiêm cho 10 cháu không gặp vấn đề nào, chỉ một cháu có tai biến.
Trước thực trạng trên, không ít phụ huynh vì quá lo ngại đã đặt vấn đề thay thế vắc xin. Trước quan điểm này, ông Phu cho rằng, loại vắc xin nào cũng có tỷ lệ phản ứng nhất định và không ai dám khẳng định là thay thế vắc xin thì sẽ không có tử vong.
Theo ông Phu, vắc xin Quinvaxem với thành phần toàn tế bào nên các phản ứng như sốt, sưng, đau, thậm chí tím tái nhiều hơn vắc xin vô bào. Tuy nhiên, WHO khẳng định tỷ lệ phản ứng nặng và gây tử vong của 2 loại vắc xin này là tương đương. WHO thậm chí còn đánh giá vắc xin toàn tế bào đáp ứng miễn dịch tốt hơn loại vô bào. “Kể cả có nguyên nhân tử vong do vắc xin, nhưng tỷ lệ vẫn thấp hơn khuyến cáo của WHO thì vẫn chấp nhận dùng vắc xin để bảo vệ cả cộng đồng” – TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Nghi ngại tiêm chủng – hậu quả khó lường
Theo nhận định của các chuyên gia y tế, trận dịch sởi năm 2014 là một bài học cho cả cộng đồng về tình trạng nếu không tiêm vắc xin, dịch bệnh bùng phát sẽ có nhiều trẻ tử vong hơn. Một báo cáo của WHO năm 2015 về tỷ lệ bệnh ho gà tại 19 nước, trong đó có 4 nước thu nhập trung bình khá và 15 nước thu nhập cao cho thấy, dịch gia tăng tại 5 nước gồm Australia, Chile, Bồ Đào Nha, Anh và Mỹ. Trong số này trừ Chile, các nước còn lại đã chuyển từ sử dụng vắc xin ho gà toàn tế bào sang vắc xin ho gà vô bào và đây được cho là căn nguyên khiến dịch bùng phát.
Một nghiên cứu khác của WHO tại 4 nước dùng vắc xin vô bào cũng cho thấy nguyên nhân chính bùng phát dịch ho gà là vắc xin giảm hiệu quả bảo vệ dẫn đến tích lũy số ca bệnh và thành dịch theo chu kỳ dù tỷ lệ chích ngừa rất cao.
Mặt khác, sự bùng phát dịch cũng chưa thấy xuất hiện tại các nước dùng vắc xin ho gà toàn tế bào và có tỷ lệ tiêm chủng cao. Chile dùng vắc xin ho gà toàn tế bào nhưng dịch vẫn xảy ra do tỷ lệ bao phủ vắc xin thấp.
PGS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cũng lo ngại cho biết, tại Mỹ trước khi có vắc xin, bệnh ho gà hàng năm khiến hơn 200.000 người mắc và 10.000 người tử vong. Sau khi vắc xin ho gà toàn tế bào được đưa vào sử dụng, trong năm 1976 tỷ lệ mắc giảm đến 95%.
Tuy nhiên từ năm 1990 nước này chuyển sang dùng vắc xin ho gà vô bào thì dịch bắt đầu bùng phát. Dịch có xu hướng xảy ra theo chu kỳ và nặng nhất vào những năm 2005, 2010 và 2014. Nguyên nhân do giảm miễn dịch bảo vệ của vắc xin vô bào và sự tích lũy các ca này theo từng năm.
Dịch ho gà năm 2014 tại Mỹ được cho là lớn nhất trong vòng 50 năm qua. Ngay cả khi đã bổ sung lịch tiêm nhắc lại nhiều mũi ngoài 3 liều cơ bản, tiêm nhắc lại cho trẻ 4-6 tuổi, 11-12 tuổi và cả phụ nữ mang thai, hiện tại Mỹ vẫn ghi nhận 10.000 - 40.000 ca bệnh và 10-20 trường hợp tử vong mỗi năm.
Tại Việt Nam, lịch tiêm vắc xin Quinvaxem hiện nay là 3 mũi cơ bản cho trẻ ở tháng tuổi thứ 2, 3, 4 và một mũi vào lúc 18 tháng tuổi. TS Phan Trọng Lân khẳng định, hơn 30 năm qua Việt Nam đã kiểm soát tốt bệnh ho gà bằng vắc xin toàn tế bào.
Do đó, nếu chúng ta thay bằng vắc xin có thành phần ho gà vô bào cần lường trước khả năng bùng phát dịch. WHO vẫn khuyến cáo các nước cần duy trì lịch chích ngừa không quá 4 mũi vắc xin ho gà toàn tế bào, không nên chuyển đổi sang vắc xin vô bào, trừ trường hợp cần tăng tỷ lệ bao phủ tiêm chủng. Và Quinvaxem là vắc xin an toàn, hiệu quả, có chất lượng tốt và chi phí hợp lý theo kết quả tiền thẩm định của WHO. Tất cả các bà mẹ cần lưu ý thực hiện theo đúng hướng dẫn của cán bộ Bộ Y tế và tiếp tục đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch./.