Ngày 11/8, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 2 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, các vấn đề liên quan đến phá rừng, ATVSTP, cấp phép đầu tư, di dời Trung tâm hành chính Đà Nẵng… được các đại biểu quan tâm đặt câu hỏi đối với lãnh đạo TP và các sở, ngành.
Tại hội trường, đại biểu Trần Thắng Lợi cho biết, thời gian qua, Đà Nẵng ghi nhận rất nhiều vụ phá rừng tại Sơn Trà. Tất cả đề do người dân, báo chí phát hiện lên tiếng. Mới nhất, cũng qua thông tin người dân đã ghi nhận vụ xâm hại rừng tự nhiên tại tiểu khu 11 rừng đặc dụng Nam Hải Vân. Diện tích bị xâm hại năm ở vị trí phía trên miệng hầm Hải Vân, thuộc công trình bảo vệ mục tiêu quốc gia, không được phép khai thác.
Đại biểu Trần Thắng Lợi |
“Sở đã xử lý đối với cán bộ liên quan cũng như các đối tượng xâm hại rừng như thế nào. Hiện nay, dư luận cũng đặt ra một câu hỏi là có hay không buông lỏng quản lý khi kiểm lâm quản lý địa bàn biết nhưng làm ngơ để đối tượng xâm hại rừng mặc nhiên hoạt động”, đại biểu Lợi nêu.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lợi, theo ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN&PTNN Đà Nẵng, Đà Nẵng có 62.000 hecta rừng, trong đó 57.000 héc ta rừng, đất rừng và rừng huy hoạch, gần 3.000 ha quy hoạch đất nông nghiệp và rừng không quy hoạch vào làm dịch vụ. Rừng đặc dụng có 31.000 hecta; 3 khu rừng đặc dụng được bảo vệ nghiêmlà Bà Nà, Sơn Trà và Nam Hải Vân. Riêng rừng đặc dụng Bà Nà có 16.000 hecta, Sơn Trà vỏn vẹn có 2.500 hecta và Nam Hải Vân chỉ còn 1.600 ha. Hiện quản lý trên Sơn Trà có nhiều chủ thể: Hạt kiểm lâm Sơn Trà, UBND phường Thọ Quang, Ban Quản lý du lịch bán đảo Sơn Trà.
Ông Ban cho rằng, nói phá rừng khai thác lâm sản là không có, nhưng xâm hại rừng là có. Hiện nay, Sơn Trà có 26 dự án gồm 11 công cộng, 15 dự án du lịch. Trong 15 dự án du lịch, có 6 dự án thu hồi đất, được dự án trồng rừng thay thế, 9 dự án ở mức độ phê duyệt
“Khi phát hiện nhóm người xâm hại rừng, song song kiểm lâm được phát hiện có liên quan từ mối quan hệ gia đình với chính đối tượng này”, ông Ban nói.
Đặc biệt, nghị trường thực sự “nóng” khi có ý kiến chất vấn của đại biểu Trần Văn Trường (Bí thư Huyện uỷ Hoà Vang) về việc di dời Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng. Việc này đồng thời còn khiến nhiều đại biểu tham dự bất ngờ.
Ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng trả lời liên quan đến việc di dời TTHC Đà Nẵng |
Tháng 9/2014, tòa nhà Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng chính thức được đưa vào sử dụng sau 5 năm thi công. Tòa nhà có hai tầng hầm, 34 tầng nổi, cao 166,8m với tổng mức đầu tư 1.981 tỷ đồng. Tòa nhà được đầu tư xây dựng bằng tiền ngân sách nhà nước và tiền khai thác quỹ đất bán các trụ sở các sở ban ngành sau khi dọn vào tòa nhà trung tâm hành chính để làm việc. Công trình Trung tâm hành chính được thiết kế hết sức đặc biệt với tòa nhà mang hình dáng của một ngọn hải đăng, đế tòa nhà là một con thuyền căng gió vươn khơi
Theo ĐB Trần Văn Trường, TP có ý định không sử dụng Trung tâm hành chính nữa mà chuyển đến vị trí mới do đặt tại khu vực gây ùn tắc giao thông; toà nhà trung tâm hành chính thiếu ô xi nên ảnh hưởng đến sức khoẻ của cán bộ công chức TP. “Vậy TP tính chuyển đến đâu và khi nào chuyển?. Ngoài ra, trụ sở Trung tâm hành chính hiện tại sẽ dùng vào việc gì?”, ĐB Trường chất vấn.
Trả lời vấn đề này, ông Đặng Việt Dũng (Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) cho biết đây là vấn đề lớn. Vì Trung tâm hành chính không chỉ là nơi làm việc tập trung của cán bộ công chức TP mà nó còn là một biểu tượng của TP. “Việc di dời hay không sẽ được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, Trung tâm hành chính của TP mới được khánh thành 3 năm và có nhiều ưu khuyết điểm. Ưu điểm là việc khi đưa Trung tâm hành chính đi vào hoạt động, vấn đề cải cách hành chính nâng cao. Khi có Trung tâm hành chính đã đóng góp điểm cải cách hành chính trong đánh giá PCI của TP. Tuy nhiên Trung tâm hành chính còn có tồn tại như không khí chưa sạch, nóng quá. Hiện UBND TP đã chỉ đạo ban quản lý toà nhà phải khắc phục cho được việc này, bơm khí tươi và đảm bảo điều kiện làm việc cho anh em.
Ông Đặng Việt Dũng cũng thừa nhận TP Đà Nẵng đang tính xây dựng khu hành chính để thay thế khu Trung tâm hành chính cũ. “Trong chương trình hành động của Thành uỷ có giao cho các ngành để làm. Sau này sẽ có sự lựa chọn, tính toán sau khi các ngành đề xuất lên, TP sẽ lấy ý kiến nhân dân. Lấy ý kiến rộng rãi để nếu có di chuyển sẽ phục vụ tốt cho người dân và biểu tượng của TP”, ông Dũng nói.
Cũng vấn đề trên, ông Nguyễn Xuân Anh (Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng) cho rằng, việc di chuyển Trung tâm hành chính, trong chương trình hành động của Thành uỷ có đặt ra. “Nhưng phải có lựa chọn kĩ, dời nơi cũ sang chỗ mới như thế nào?. Có tốt hơn không?. Phải làm kĩ, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Tuy nhiên tốt hơn mới làm”, ông Xuân Anh nói.