Sớm có giải pháp khắc phục những hạn chế của pháp luật về đấu giá, đầu thầu

(PLVN) - Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật vừa phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề “Nhận diện hạn chế, bất cập của pháp luật về đấu giá, đầu thầu và giải pháp khắc phục”.
Các khách mời tham dự tọa đàm.
Các khách mời tham dự tọa đàm.

Đã rà soát 397 văn bản liên quan

Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL – Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Thu Hòe cho biết, Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập vào tháng 2/2020, Tổ trưởng là Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Ngay năm 2020, Tổ Công tác đã rà soát 10 chuyên đề pháp luật có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội, phát triển kinh tế, an sinh xã hội, đặc biệt là các lĩnh vực như đầu tư, lao động - việc làm, gia nhập thị trường… Năm 2021, Tổ Công tác thực hiện rà soát 5 chuyên đề pháp luật quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, đại dịch COVID-19.

Năm 2022, Tổ Công tác đã tiến hành rà soát độc lập, chuyên sâu 4 nhóm văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) còn hiệu lực do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành, trong đó có nhóm pháp luật liên quan đến đấu giá tài sản (ĐGTS) và một số quy định pháp luật cụ thể về đấu thầu, để phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập trong hệ thống pháp luật. Đến nay, đã rà soát 397 văn bản, gồm 56 luật, nghị quyết của Quốc hội, 4 pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 337 văn bản do các cơ quan Trung ương khác ban hành.

Về cơ bản, pháp luật về lĩnh vực đấu giá, đấu thầu đã cơ bản thể chế hóa kịp thời, đầy đủ định hướng, chỉ đạo, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; các quy định đã tạo khung pháp lý bao quát toàn diện về hoạt động đấu giá, đấu thầu, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Phần lớn văn bản QPPL có chất lượng tốt, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch của pháp luật, đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Tuy nhiên, qua rà soát, Tổ Công tác đã phát hiện pháp luật về lĩnh vực đấu giá, đấu thầu còn các hạn chế. Chẳng hạn như vẫn tồn tại những quy định chưa bảo đảm tính thống nhất giữa các luật (Luật ĐGTS, Luật Đấu thầu với Luật Đất đai), nghị định (giữa các nghị định hướng dẫn các Luật ĐGTS, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai); có một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, không bảo đảm tính khả thi. Tổ Công tác đã đánh giá khách quan nhất, từ đó có kiến nghị đến Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan liên quan để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động đấu giá, đấu thầu.

Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Mai chia sẻ, qua rà soát, Luật ĐGTS và các quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan cũng phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo, tuy nhiên không quá nhiều. Chẳng hạn, về trình tự, thủ tục đấu giá, Luật ĐGTS đã quy định cơ bản thống nhất đối với các loại tài sản để các văn bản chuyên ngành tiếp tục quy định, điều chỉnh, chỉ vướng mắc Nghị định 22 năm 2012 hướng dẫn về đấu giá quyền khai thác khoáng sản và một vài thông tư vẫn đang quy định về trình tự, thủ tục.

Một cuộc đấu giá. (Ảnh minh họa)

Một cuộc đấu giá. (Ảnh minh họa)

Còn đối với các quy định pháp luật chuyên ngành (đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá quyền khai khoáng, đấu giá tần số...) thì có thể ảnh hưởng đến thực thi Luật ĐGTS ở khía cạnh đưa tài sản ra đấu giá, điều kiện tham gia đấu giá, tài sản có giám định, xác định giá khởi điểm, vai trò, trách nhiệm của người có tài sản... Qua rà soát, chúng ta phát hiện ra một số quy định chưa đầy đủ hoặc chưa có tính khả thi để từ đó kiến nghị sửa đổi cho phù hợp.

Đến từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó trưởng Phòng (Ban Pháp chế) Nguyễn Minh Đức thông tin kết quả khảo sát từ những doanh nghiệp từng tham gia hoạt động đấu thầu, mua sắm công của Nhà nước do VCCI tiến hành. Theo đó, có 17% doanh nghiệp cho rằng thời gian công bố hồ sơ thầu đến lúc nộp hồ sơ là quá ngắn, không đủ thời gian chuẩn bị; khoảng 15,9% doanh nghiệp cho rằng hồ sơ mời thầu không được công bố đủ rộng rãi đối với họ; khoảng 15,1% doanh nghiệp cho rằng điều kiện thực hiện cao bất thường, quá khó... 45% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ gặp một trong các vấn đề trên.

Từ thực tiễn đó, ông Đức phản ánh, việc thực hiện các quy định về đấu thầu trên thực tế chưa thực sự tạo điều kiện tốt nhất cho các bên tham gia. Trong khi lại chưa có cơ chế, chế tài trách nhiệm khi quy định điều kiện quá khó, quá cao hay chỉ ra quy định như vậy có phù hợp không.

Bảo đảm chất lượng, hiệu quả của pháp luật về đấu giá, đấu thầu

Với những vướng mắc, bất cập trên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của pháp luật về đấu giá, đấu thầu, bà Nguyễn Thị Thu Hòe nhấn mạnh, các giải pháp cần đưa được ra từ những nguyên nhân của các vướng mắc, bất cập. Nếu do quy định pháp luật thì sẽ sửa đổi, bổ sung; trường hợp do thực tiễn thay đổi, đòi hỏi phải tổng kết, khảo sát thực tiễn để ban hành mới. Đặc biệt, cần lấy ý kiến rộng rãi, hiệu quả, thực chất của các đối tượng chịu tác động theo đúng quy định pháp luật.

Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia. (Ảnh minh họa)

Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia. (Ảnh minh họa)

Cũng theo bà Hòe, Bộ Tư pháp đã kiến nghị, đề xuất các giải pháp với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền nhằm quán triệt quan điểm, chủ trương, tinh thần xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật của Đảng, Chính phủ là: Kiến tạo phát triển; tháo gỡ rào cản, khó khăn, vướng mắc, phục vụ, hỗ trợ phát triển; khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Bên cạnh đó, tiếp tục xác định công tác rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản QPPL để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, giải quyết các vấn đề bất cập từ thực tiễn là nhiệm vụ quan trọng, cần thực hiện thường xuyên, hiệu quả và quan trọng nữa là các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo văn bản cần thực hiện nghiêm quy trình soạn thảo theo quy định tại Luật Ban hành văn bản QPPL.

Đối với lĩnh vực ĐGTS, bà Nguyễn Thị Mai cho biết, đồng thời với việc rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định của Luật ĐGTS, Bộ Tư pháp cũng có kế hoạch phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi đồng bộ các quy định của pháp luật chuyên ngành về ĐGTS. Như vậy, chúng ta mới có được giải pháp tổng thể, đồng bộ để các quy định về ĐGTS được thực hiện minh bạch, khách quan, thu lại giá trị cao nhất cho người có tài sản.

Là một doanh nghiệp trực tiếp thi hành các quy định pháp luật về đấu giá, đấu thầu, Phó Chủ tịch Hội Đấu giá viên TP Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty đấu giá hợp danh Lạc Việt Đỗ Thị Hồng Hạnh mong muốn, nên có khung/sườn về giá khởi điểm (có thể so sánh với giá thị trường) để bảo đảm giá trị tài sản không bị thất thoát. Dẫn chứng giá đất sắp tới có thể không còn khung giá của Nhà nước trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai, bà Hạnh cho rằng, nếu giá đất do thị trường quyết định thì cực khó, nhất là cho các tổ chức đấu giá. Đây là vấn đề nan giải, chưa có hồi kết mà phải đợi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua, làm rõ sự khác nhau về giá của lĩnh vực đấu giá với đấu thầu. Đồng thời, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo minh bạch, kiểm tra chéo được trong hai lĩnh vực này…

Đọc thêm