Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý kinh doanh xuất khẩu gạo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo (NĐ 107) đang được đề cập đến rất nhiều, nhất là trong tình thế thị trường thế giới đang biến động hiện nay. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có yêu cầu Bộ Công Thương phải sớm hoàn thành việc sửa đổi này.
Nhiều điều kiện với DN XK gạo đang gây lãng phí. (Ảnh: Bộ Công Thương)
Nhiều điều kiện với DN XK gạo đang gây lãng phí. (Ảnh: Bộ Công Thương)

Còn quy định bất cập

Giới chuyên gia về xuất khẩu (XK) gạo đều đã có nhận định về việc NĐ 107 đã có nhiều tiến bộ hơn so với Nghị định 109/2010/NĐ-CP về XK gạo trước đó. Cụ thể, NĐ 107 đã bãi bỏ quy định về quy mô kho chứa (5.000 tấn thóc) và công suất cơ sở xay, xát (10 tấn/h), chỉ còn yêu cầu doanh nghiệp (DN) phải có kho và cơ sở xay, xát phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số DN, để có thể đáp ứng được Quy chuẩn kỹ thuật về kho và cơ sở xay, xát thóc gạo tại Thông tư 12/2013/TT-BNNPTNT, DN vẫn cần có chi phí đầu tư lớn, kể cả trong trường hợp đi thuê. Bởi Thông tư này vẫn yêu cầu nhiều điều kiện mang tính quy mô như dung tích của thùng chứa gạo, công suất của máy xay xát 10 tấn/h... “Các điều kiện này chỉ phù hợp với các DN XK gạo số lượng lớn mà rất khó đáp ứng đối với DN nhỏ đang cố gắng thâm nhập các thị trường mới” - VCCI đánh giá.

Ông Nguyễn Chánh Trung - Giám đốc Công ty TNHH Gạo Hưng Việt cho biết, hiện DN của ông tập trung vào sản xuất gạo chất lượng cao nên không thể làm số lượng lớn được. Chưa kể, DN đều có các vùng nguyên liệu khác nhau, không thể tập trung lại một chỗ chỉ để đáp ứng yêu cầu của Thông tư. NĐ 107 Ví dụ, Hưng Việt mở công ty tại quận 7, đặt nhà máy ở An Giang, thu mua lúa ở Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang…

“Không ai lại thu mua lúa ở các địa phương rồi vận chuyển lên An Giang để sơ chế, chế biến. Tôi mở nhà máy tại An Giang thì chỉ sản xuất cho vùng An Giang, Kiên Giang thôi nên không thể yêu cầu các DN phải làm lớn. Tôi thấy điều kiện về cơ sở hạ tầng tại NĐ 107 không đi vào đời sống, làm tăng chi phí vận chuyển, khoảng vài USD/tấn. Thậm chí gây nên tình trạng lãng phí bởi nhiều DN sẽ mở cho đủ yêu cầu, cho có, sau đó làm gia công trong khi mình lại phải sản xuất ở chỗ khác” - ông Trung nói.

Giảm điều kiện kinh doanh, tiến tới tự do hóa thị trường

VCCI cho biết, hiện nhiều DN của Việt Nam rất năng động trong việc tìm kiếm các thị trường mới như châu Âu, Canada, Trung Đông… Đây là những thị trường đòi hỏi số lượng gạo ít, nhưng chất lượng cao và có giá tốt. Những đối tượng DN này chắc chắn không thể đáp ứng điều kiện kinh doanh XK gạo cao như NĐ 107 đã đưa ra mà buộc phải uỷ thác XK cho DN có đủ điều kiện XK. Và theo hướng sửa đổi của Bộ Công Thương “Thương nhân có chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh XK gạo theo quy định tại Nghị định này (gọi tắt là giấy phép XK gạo) mới được nhận ủy thác XK gạo”.

Theo phản ánh của các DN, mức phí uỷ thác XK hiện khoảng từ 1 - 5 USD/tấn hàng. Như vậy, các DN có giấy phép XK gạo đang có quyền cho thuê giấy phép này để được hưởng mức phí chênh lệch. “Điều này khiến cho hạt gạo của Việt Nam trở nên đắt hơn, khó XK hơn” - VCCI nhận định.

Ông Nguyễn Chánh Trung khẳng định, ngoài việc gây tăng chi phí cho DN thì việc ủy thác XK còn có thể gây ra rủi ro cho DN khi dòng vốn về không kịp, có thể dẫn đến việc bội tín giữa các DN với nhau bởi khi giá lên, sẽ xảy ra tình huống không kịp thanh toán, trong khi dòng tiền đi về Việt Nam lại qua nhiều cửa. “Quy định này vô tình tạo điều kiện cho DN lớn bán quota XK cho DN nhỏ hơn. Việc ủy thác XK này có thể tiếp tay cho DN lớn làm sai. Cũng may hiện DN gạo Việt Nam đều uy tín chưa xảy ra tranh chấp gì nhưng về lâu dài hoàn toàn có thể xảy ra chuyện tranh chấp, bội tín vì người giao hàng và người nhận tiền không đồng nhất” - ông Trung phân tích.

Chưa kể, theo ông Trung, phân tích từ thị trường Ấn Độ sẽ thấy, nếu để quyền XK tập trung vào nhóm DN lớn, người nông dân sẽ thiệt thòi và gây ra bất ổn. Cụ thể, khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm XK gạo, lập tức Tổng Công ty gạo của Ấn Độ thu mua gạo với giá rất rẻ, người nông dân bị thiệt, mất cơ hội rất lớn. Do đó, người nông dân cũng mong muốn cơ chế thị trường. VCCI cũng cho rằng, về lâu dài, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh XK gạo, tiến tới tự do hoá thị trường.

Đọc thêm